'Đi dọc thời gian' - ghi lại những dấu ấn lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam
Sáng 17/4, tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Trần Đức Nuôi (Vĩnh Trà) - nguyên Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam - cho ra mắt độc giả cuốn bút ký 'Đi dọc thời gian'.
"Đi dọc thời gian" gồm 70 bút ký ghi lại những dấu ấn lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn 1945-1954, những gương mặt làm phát thanh không thể nào quên đã được nhà báo Vĩnh Trà chọn lọc, tập hợp đưa vào cuốn sách này.
Các nhà nghiên cứu báo chí cho rằng Phát thanh là thể loại báo nói, báo thời gian. Còn nhà báo Vĩnh Trà - được mệnh danh là người chép sử của Đài Tiếng nói Việt Nam - gọi những người làm báo phát thanh là “Đi dọc thời gian”.

Nhà báo Trần Đức Nuôi (Vĩnh Trà) - nguyên Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam - tại buổi ra mắt cuốn bút ký “Đi dọc thời gian”
“Đi dọc thời gian” được chia làm ba phần. Phần đầu “Chỉ dấu tạc vào thời gian” gồm những sự kiện từ ngày đầu thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam đến kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Đây là khoảng thời gian quá xa mà những người xây đắp nền móng đã không còn nữa. “Nếu không ghi lại, nhắc nhớ, e rằng theo thời gian sẽ mai một dần”, nhà báo Vĩnh Trà đau đáu. Với ý thức của một người làm báo tâm huyết, nhà báo Vĩnh Trà đã ghi chép lại một cách trình tự những dấu mốc thời gian của lịch sử Đài Tiếng nói Việt Nam gắn với những dấu mốc lịch sử dân tộc.
Phần hai “Những người đi dọc thời gian” gồm những bài viết khắc họa chân dung nhà báo phát thanh - dù ở cương vị lãnh đạo hay phóng viên, biên tập viên, nhạc sĩ, phát thanh viên, kỹ thuật viên, họ đã đi dọc suốt chiều dài thời gian của đại gia đình Tiếng nói Việt Nam cùng dân tộc. Nhà báo Vĩnh Trà chia sẻ: “Tôi may mắn được sống và làm việc với những người xây đắp nền móng cho Đài Phát thanh Quốc gia và ngành báo nói nước nhà, những nhà báo tạo nên bước ngoặt phát triển cho Đài Tiếng nói Việt Nam và ngành báo nói nước nhà. Những ký ức đáng quý của các nhà báo, nhà kỹ thuật lão thành và những suy ngẫm của tôi đã tạo nên những bút ký tư liệu, tuy mộc mạc nhưng chứa đựng trong đó những năm tháng gian truân và oanh liệt không thể nào quên với những sự kiện, những con người làm báo phát thanh. Tôi dung dị gọi là những người “đi dọc thời gian”.

Quang cảnh buổi ra mắt cuốn bút ký “Đi dọc thời gian”
“Ngồi lại với nhau lâu hơn một chút” là phần ba của tập bút ký, ghi lại những câu chuyện cảm động của những người đồng nghiệp từng gắn bó với nhau, rất nhiều câu chuyện được gói ghém, nâng niu khi có dịp gặp mặt. Từ chuyện “Cưới liều” đến “Ăn Trần Phú, ngủ trên bàn, lang thang Canh Nông”, “Đúng là vợ chồng mà cứ bảo rằng không”, “Thức cùng Hà Nội”… là những trang bút ký đẫm ký ức, kỷ niệm vui buồn. Với văn phong giản dị, lối viết chân thực, nhà báo Vĩnh Trà gửi gắm bao nỗi niềm qua từng trang viết.
Cùng chung một chặng đường dài làm việc với nhau trong những năm tháng chiến tranh trên mặt trận Trường Sơn khói lửa, nhà báo - nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng ghi nhận những trang viết thấm đẫm trách nhiệm và tình yêu đối với làn sóng của nhà báo, nhà văn Vĩnh Trà. Ông bày tỏ: “Tất cả sách của Trần Đức Nuôi là phản ánh từ hiện thực, được quan sát qua con mắt, suy nghĩ của bộ óc và trút ra bằng sản phẩm. Với số sách về báo chí, về văn học thì quả thật Trần Đức Nuôi là một nhà báo, một nhà văn chính hiệu, tận tâm, tận lực, đi vào thực tế và viết rất sâu sắc”.

Nhà báo Vĩnh Trà ký tặng sách cho độc giả
Nhà báo Vĩnh Trà cho rằng, nghề báo, viết văn là “nghề không hưu”. Mặc dù đã nghỉ hưu 18 năm nhưng ông vẫn miệt mài nghe, đọc, xem và viết, cho ra đời 30 tác phẩm gồm bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết. Nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang từng nhận xét: “Vĩnh Trà đảm nhận nhiều công việc khác nhau tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia, nhưng hầu như không bao giờ rời xa cây bút và càng viết càng hay”. Những mảng ký ức sâu đậm in trên trang viết, đặc biệt là những câu chuyện về Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn vẹn nguyên trong trái tim của một người cầm bút - một nhà văn, nhà báo hồn hậu, chất phác, xông xáo mang bút danh Vĩnh Trà.
