Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn kiện vô giá, một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại vào kho tàng văn hóa chung nhân loại

TS Lê Trung Kiên - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng khẳng định, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm vô giá, trở thành 'bảo vật quốc gia', đồng thời là một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những di sản quan trọng nhất trong tư tưởng của Người, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp của vị lãnh tụ đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Di chúc là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, định hướng chiến lược cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

55 năm đã trôi qua, Di chúc vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, là "ngọn đuốc" soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Với ý nghĩa đặc biệt đó, Di chúc được xem là một di sản vô giá của dân tộc Việt Nam và được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Ảnh tư liệu.

Ảnh tư liệu.

TS Lê Trung Kiên - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, Di chúc của Bác Hồ là một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng và luôn có sức hút, sự lan tỏa lớn với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Di chúc đã được Bác dành nhiều thời gian, tâm huyết, tự mình lặng lẽ chuẩn bị rất công phu trong vòng 4 năm từ 1965 - 1969.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm vô giá, trở thành "bảo vật quốc gia", đồng thời là một đóng góp của văn hóa Việt Nam đương đại vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.

"Chính vì lẽ đó, Di chúc của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mãi mãi tỏa sáng, đồng thời soi đường cho dân tộc ta vững bước trên con đường đến với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", TS Lê Trung Kiên khẳng định.

Trong Di chúc, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta những việc to lớn, hệ trọng và định hướng sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước sau khi thống nhất, đặc biệt là những vấn đề cốt yếu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Di chúc của Bác viết: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"; "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng" nhưng Bác cũng căn dặn: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau"...

Với tầm nhìn xa, trông rộng của một lãnh tụ Cách mạng, vấn đề con người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách sâu sắc, toàn diện và khoa học. Người thấy rõ tầm quan trọng của việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ Cách mạng cho đời sau đối với sự phát triển vững mạnh của Đảng và đất nước. Người nêu rõ: "Đảng phải chăm lo giáo dục, đào tạo họ trở thành những chủ nhân của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng", vừa "chuyên"".

TS Lê Trung Kiên - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) - Ảnh: T.Vương

TS Lê Trung Kiên - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) - Ảnh: T.Vương

PGS.TS. Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, dù đã trải qua nhiều lần từ khi khởi thảo tháng 5/1965 - tháng 5/1969, song Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội dung chính đề cập tới việc chung và việc riêng.

Ở phần việc chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định và dặn dò: "Trước hết nói về Đảng"; "Đoàn viên và thanh niên"; "Nhân dân lao động"; "Cuộc kháng chiến chống Mỹ"; "Về phong trào cộng sản thế giới".

Ở phần việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ nỗi niềm "tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa", dặn dò không được "điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân". Nhiều thông điệp được chuyển tải trong các nội dung này, trong đó có thể khái quát thành những điểm căn bản rất tương thích với các chuẩn giá trị đương đại mà cộng đồng thế giới hướng đến.

Theo PGS.TS. Đào Duy Quát, bao trùm trong Di chúc của Bác Hồ đó chính là "Đảng và dân". Những dòng đầu tiên trong nội dung Di chúc, Bác viết "Trước hết nói về Đảng". Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và cho đến khi sắp đi xa mãi mãi, Người vẫn lo cho đất nước, cho nhân dân, cho sự nghiệp Cách mạng của dân tộc ta.

Trong Di chúc, khẳng định "Đảng ta là một Đảng cầm quyền" song Bác Hồ căn dặn": "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức Cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

"Những căn dặn của Bác cho thấy việc xác lập nguyên tắc, tiêu chí mang tính chuẩn mực đối với tổ chức và người thực thi công vụ trong mối quan hệ với nhân dân. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn nhấn mạnh nguồn gốc từ nhân dân mà ra của các tổ chức và cá nhân thực thi quyền lực công, khẳng định vị trí, vai trò của họ là lãnh đạo, quản lý và mục tiêu của nền công vụ là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Và trong tư tưởng của Người, đạo đức là cái gốc của người thực thi công vụ, là tiêu chuẩn phải có trước tiên, phải được đảm bảo giữ gìn, củng cố trong mọi quá trình sống và làm việc của người thực thi công vụ. Điều đó cho chúng ta thấy sự sâu sắc trong tư tưởng của Bác với đảng cầm quyền, với nhân dân" - PGS.TS Đào Duy Quát chia sẻ.

PGS.TS. Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).

PGS.TS. Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).

Theo PGS.TS. Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đã 55 năm trôi qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ngày càng nhận thức sâu sắc những nội dung trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã quyết tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, theo đúng lời dạy của Người.Hơn nửa thế kỷ thực hiện Di chúc là một chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng, kiên định con đường Cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Đến nay, 55 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, gần 50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Như Đại hội XIII đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

"55 năm trôi qua, Di chúc vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, là "ngọn đuốc" soi đường cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả" - PGS.TS. Vũ Trọng Lâm nói.

Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh, tất cả những lời căn dặn của Người trong Di chúc đều hướng tới "mong muốn cuối cùng" đó là: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng thế giới". Đó cũng chính là tầm nhìn, ý chí, khát vọng của toàn dân tộc.

Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-van-kien-vo-gia-mot-dong-gop-cua-van-hoa-viet-nam-duong-dai-vao-kho-tang-van-hoa-chung-nhan-loai-20240902090506564.htm
Zalo