Đi bộ nhanh làm giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Heart, tốc độ đi bộ từ trung bình đến nhanh làm giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim 35 - 43% so với đi bộ chậm.
Rối loạn nhịp tim thường gặp gồm rung nhĩ, nhịp chậm, nhịp nhanh tâm thất. Rung nhĩ khá phổ biến với đặc trưng nhịp tim không đều và nhanh bắt đầu từ tâm nhĩ. Nhịp chậm là tình trạng tim đập dưới 60 nhịp/phút, trong khi tốc độ bình thường khoảng 60 - 100 nhịp/phút. Nhịp nhanh tâm thất xảy ra khi tâm thất đập quá nhanh.
Theo giáo sư y tế công Jill Pell (Đại học Glasgow) - đồng tác giả nghiên cứu: “Đi bộ là điều tuyệt vời mà ai cũng làm được. Bạn không cần phải tốn tiền ra phòng tập hay mua sắm thiết bị mà chỉ cần bước ra cửa rồi tiếp tục đi mà thôi”.

Đi bộ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe - Ảnh: FG Trade/E+/Getty Images
Một nghiên cứu năm 2024 ghi nhận trên toàn thế giới có gần 60 triệu người bị rung nhĩ. Giáo sư Pell cho rằng ước tính về số người mắc các rối loạn nhịp tim khác không có tính thuyết phục cao, nhưng nhìn chung trường hợp rối loạn dễ bị đau tim, đột quỵ và tử vong sớm.
“Họ có thể được kê đơn thuốc hoặc tiếp nhận phẫu thuật. Tuy nhiên tốt hơn hết nên ngăn ngừa bất thường về nhịp tim ngay từ đầu”, bà nói thêm.
Trước đó chỉ có một nghiên cứu về tốc độ đi bộ với rối loạn nhịp tim, chỉ tập trung xem xét một loại rối loạn. Vài nghiên cứu khác thì phát hiện giữa tốc độ đi bộ với các kết quả các như bệnh tim mạch có mối liên hệ, do đó nhóm của Giáo sư Pell muốn tìm hiểu xem điều tương tự có đúng với rối loạn nhịp tim hay không.
Họ nghiên cứu dữ liệu sức khỏe lẫn dữ liệu hoạt động giai đoạn 2006 - 2020 của hơn 500.000 người 40 - 69 tuổi tại Anh. Tình nguyện viên trả lời bảng câu hỏi nhằm xác định xem tốc độ đi bộ thuộc nhóm chậm (dưới 4,8 km/giờ), trung bình (4,8 - 6,4 km/giờ) hay nhanh (hơn 6,4 km/giờ). Trong thời gian theo dõi trung bình 13 năm, 9% tình nguyện viên bị rối loạn nhịp tim.
Theo Giáo sư Pell: “Dữ liệu cho thấy đi bộ với tốc độ trung bình chỉ khoảng 5 - 15 phút mỗi ngày cũng đủ giảm thiểu nguy cơ”. Mối liên hệ thể hiện rõ nhất ở người dưới 60 tuổi, người không béo phì, người huyết áp cao hoặc có từ hai tình trạng bệnh lý từ trước, phụ nữ. Đặc biệt phụ nữ ít có khả năng bị rung nhĩ hơn nam giới, nhưng nếu bị thì nguy cơ đau tim hay đột quỵ lại cao hơn.
Bác sĩ tim mạch Martha Gulati (Đại học Arizona) đánh giá cao nghiên cứu trên vì nó giúp xác nhận lợi ích của hoạt động thể chất với tình trạng rung nhĩ cũng như ghi nhận được mối liên hệ rõ ràng hơn với phụ nữ.
“Điều này cho thấy một trong số chiến lược phòng ngừa rối loạn nhịp tim là đi bộ nhanh”, theo bà Gulati.
Nghiên cứu rút ra kết luận từ quan sát nên không chứng minh được quan hệ nhân quả. Dữ liệu sức khỏe (tự báo cáo) cũng có thể bị ảnh hưởng hồi tưởng hoặc thiên kiến không chính xác. Giáo sư Pell thừa nhận trong nghiên cứu quan sát luôn có khả năng một số người đi chậm vì họ đã mắc bệnh. Nhóm cố gắng tránh khả năng này bằng cách đảm bảo không tình nguyện viên nào bị bất cứ hình thức bệnh tim nào từ trước, nhưng họ vẫn cần một nghiên cứu khác giúp xác nhận kết luận của mình.