ĐHĐCĐ VPBank: Lập công ty bảo hiểm nhân thọ, mua công ty quản lý quỹ, mục tiêu tăng trưởng 30% các năm tiếp theo
Chiều 28/4/2025, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank; HoSE: VPB) tổ chứcĐHĐCĐ thường niên năm 2025. VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng 26% năm 2025 và 30% các năm tiếp theo.

Mục tiêu lợi nhuận hơn 25.000 tỷ đồng, NIM thuộc nhóm cao nhất ngành
Trình bày báo cáo của Ban điều hành, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBankk cho biết, năm 2025, ngân hàng đứng trước nhiều cơ hội song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Cơ hội lớn nhất là kinh tế có dấu hiệu phục hồi, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ít nhất 8%, tạo cơ hội phục hồi cho tất cả các ngành, trong đó có ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ. Hiện ban lãnh đạo ngân hàng vẫn đang chờ kết quả đàm phán để có giải pháp hạn chế tối đa tác động tiêu cực.
Theo báo cáo của Ban Điều hành, năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản hợp nhất tăng 23%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giả tăng 34%, dư nợ tín dụng hợp nhất tăng 25%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 26%. Trong đó, lợi nhuận ngân hàng mẹ tăng 22% (đạt 22.219 tỷ đồng), lợi nhuận FE Credit tăng 120% (đạt 1.126 tỷ đồng), Chứng khoán VPBank (VPBankS) tăng 64% (đạt hơn 2.000 tỷ đồng), Công ty bảo hiểm số OPES tăng 34% (đạt 636 tỷ đồng).
“Bên cạnh đặt mục tiêu tăng trưởng 26% năm 2025 thì VPBank vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 30% cho những năm tiếp theo. Ban lãnh đạo cam kết theo dõi sát tình hình để có điều chỉnh kịp thời”, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết.
Năm nay, dù tình hình kinh tế có nhiều thách thức, song VPBank vẫn đặt mục tiêu duy trì biên lợi nhuận (NIM) 4,7-4,9%, nằm trong nhóm cao top đầu trên thị trường. Ngân hàng cũng đạt mục tiêu huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với năm ngoái.
Tại Đại hội, HĐQT cũng trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 5% như cam kết được đưa ra tại kỳ ĐHĐCĐ những năm trước.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản có thể giảm dần và ổn định 6 tháng cuối năm, khối doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn, VPBank dự kiến trích lập dự phòng 17.000 tỷ đồng năm nay, tăng nhẹ so với năm ngoái.
Kết thúc quý I/2025, VPBank đạt tổng tài sản hợp nhất gần 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, tín dụng ngân hàng mẹ đạt hơn 663.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm và cao hơn đáng kể so với trung bình ngành là 3,93%. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt gần 15.600 tỷ đồng, tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, cao hơn 20% so với cùng kỳ.
Trước đó, năm 2024, VPBank đạt lợi nhuận hợp nhất tăng hơn 85%, trong đó lợi nhuận ngân hàng mẹ tăng 36%, lợi nhuận FE Credit tăng 114%, lợi nhuận OPES tăng 204%.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, động lực tăng trưởng của ngân hàng năm 2024 là khách hàng doanh nghiệp và xử lý nợ. Việc duy trì bảng cân đối tài sản lành mạnh, hiệu quả và nỗ lực giảm chi phí vốn (giảm 200 điểm cơ bản) cũng giúp ngân hàng tăng hiệu quả hoạt động.
Góp vốn thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng
Tại Đại hội, HĐQT trình cổ đông phương án góp vốn để thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Công ty con này sẽ có vốn điều lệ dự kiến là 2.000 tỷ đồng, với mức cụ thể sẽ HĐQT quyết định dựa trên thỏa thuận.
Lĩnh vực hoạt động của công ty con sẽ bao gồm các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cơ bản, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết chung, và các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật và được Bộ Tài chính chấp thuận.
Tỷ lệ tham gia của VPBank và các bên liên quan tối đa trong phạm vi pháp luật cho phép (100%). Tỷ lệ tham gia cụ thể của VPBank sẽ tùy thuộc vào việc thỏa thuận với các bên liên quan và/hoặc đối tác hợp tác và các quy định có liên quan trên cơ sở phù hợp các quy định pháp luật và công ty bảo hiểm mới được thành lập trở thành công ty con của ngân hàng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến trình đại hội thông qua phương án góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp/mua cổ phần để một công ty quản lý quỹ trở thành công ty con của VPBank.
Cụ thể, vốn điều lệ dự kiến của công ty quản lý quỹ đáp ứng yêu cầu của pháp luật. Mức vốn điều lệ của công ty sẽ trên hiện trạng cụ thể doanh nghiệp mục tiêu và theo thỏa thuận với các bên/các nhà đầu tư liên quan.
Giá mua/giá trị giao dịch dựa theo cơ chế thỏa thuận với các bên liên quan, hiện trạng doanh nghiệp mục tiêu, điều kiện thị trường và các yêu cầu pháp luật có liên quan.
Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, bảo hiểm nhân thọ và quản lý quỹ là "hai mảnh ghép" còn thiếu của VPBank. Việc bổ sung hai mảnh ghép này giúp hoàn thiện hệ sinh thái của VPBank. Ngoài ra, việc lập công ty bảo hiểm cũng giúp VPBank chủ động mô hình kinh doanh và chăm sóc khách hàng.