Dệt ước mơ từ thổ cẩm
Khai thác nét đẹp văn hóa truyền thống để tạo sinh kế cho bà con vùng cao là động lực để nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh làm mới sản phẩm thời trang.
Nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh
- Ý tưởng nào đưa chị đến với những sáng tạo thời trang từ chất liệu thổ cẩm?
Tôi thích khám phá văn hóa, đời sống của nhiều miền đất khác nhau. Mỗi năm tôi dành ít nhất 2-3 tháng để đi tới các vùng đất trên thế giới. Các chuyến đi là nguồn ý tưởng vô tận cho tôi trong thiết kế. Trong những chuyến đi đó, tôi có mặc trang phục thổ cẩm và đi đâu cũng được hỏi tôi mua ở đâu.
Tôi cảm thấy rất tự hào về nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó cũng là động lực để tôi đưa những nét truyền thống của thổ cẩm vào trong những mẫu thời trang mang thương hiệu "La Phạm" của mình.
- Những khó khăn mà chị gặp phải khi giữ nguyên tinh thần của thổ cẩm trong các thiết kế là gì?
Thổ cẩm có những nét độc đáo, khác với những chất liệu thời trang khác. Đó là không có miếng thổ cẩm nào giống miếng thổ cẩm nào. Chính vì vậy, khi thiết kế, mình không thể dựa theo nguyên tắc nào, mà phải xem từng miếng thổ cẩm có kích thước, màu sắc, hoa văn ra sao để nghĩ xem nên làm sản phẩm gì, ứng dụng thế nào trong các mẫu thiết kế thời trang hiện đại.
Tôi luôn mong muốn giữ nguyên tinh thần của thổ cẩm, dệt những ước mơ, những câu chuyện văn hóa đầy cảm xúc trong các mẫu thiết kế.
- Thổ cẩm là chất liệu khá kén người mặc. Chị có bí quyết gì để đưa thổ cẩm đến gần hơn với cuộc sống hiện đại?
Văn hóa Việt Nam rất đa dạng. Thổ cẩm của mỗi dân tộc lại có một đặc điểm riêng, mang đến nguồn cảm hứng cho người sáng tác. Tuy nhiên, có một thực tế là thổ cẩm càng ngày càng được làm thưa thớt đi.
Để góp sức bảo tồn nét đẹp thổ cẩm, cần phải tạo ra một xu hướng thiết kế thời trang để thổ cẩm được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải chỉ là trang phục mặc mỗi khi chụp hình hay dịp lễ hội. Tôi đã có ý tưởng đưa thổ cẩm vào trong các thiết kế áo dài. Nếu một thiết kế áo dài với họa tiết thổ cẩm được thiết kế hiện đại, chúng ta có thể mặc khi đi làm, đi chơi, không chỉ đẹp mà còn tôn vinh được cả áo dài và thổ cẩm.
Tôi đã đưa vào các thiết kế áo dài thổ cẩm những nét hiện đại, ví dụ như sử dụng 2 tà áo cách tân một chút, phần trên khác đi hay thiết kế có hai vạt áo, người mặc có thể sử dụng được trong mọi hoàn cảnh. Thật vui mừng là những thiết kế đó được nhiều người đón nhận, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.
- Không chỉ tôn vinh những giá trị của thổ cẩm, chị còn góp phần tạo sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số tại vùng cao. Chị có thể chia sẻ thêm thông tin này?
Tôi có may mắn tham gia và là một trong những đại sứ của dự án "Empower Women Asia". Đây là một dự án phi chính phủ hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số, giúp họ bảo tồn văn hóa, có thêm sinh kế ngoài công việc đồng áng. Hiện nay, lớp trẻ không còn mặn mà với việc làm thổ cẩm nữa.
Dự án có sứ mệnh động viên, giúp bà con tiếp tục làm ra thổ cẩm, vừa bảo tồn văn hóa, nỗ lực truyền thông để đưa thổ cẩm đi xa hơn, đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đó, dự án chú trọng vào việc đào tạo nghề, kiến thức để thay đổi chất lượng sản xuất, nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề, để chị em có tiếng nói và sự tự chủ.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!