Dệt thổ cẩm – Nét đẹp văn hóa cổ xưa
Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã có từ rất lâu đời, mỗi sản phẩm đều chứa đựng những hoa văn tinh xảo ẩn dấu những nét đẹp văn hóa cổ xưa mà ít nơi có được. Dệt thổ cẩm đã trở nên một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần người dân nơi đây.
Quỳ Châu xưa là thủ phủ của miền Tây Bắc Nghệ An, nơi có mường Chiêng Ngam rộng lớn, nơi hội tụ những nét đẹp văn hóa cổ xưa mà ít nơi có được. Một vùng đất cổ thuộc vành đai văn hóa Phủ Quỳ, nơi có những người Việt cổ đã sinh sống từ hàng trăm ngàn năm trước, nơi được thiên nhiên ban tặng những phong cảnh núi rừng hùng vĩ dọc dòng sông Hiếu thơ mộng, nơi có vô số phong cảnh hang động và dòng thác trắng ngần tuyệt tác của thiên nhiên với những cái tên đã trở nên rất đỗi quen thuộc như Thẩm Bua, Thẩm Ồm, Tạt Ngoi, Thác Đũa và là nơi giai điệu của những tiếng thoi đưa luôn mãi ngân vang.
Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Quỳ Châu đã có từ rất lâu đời. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng. Đã là cô gái Thái thì ai cũng phải biết dệt thổ cẩm và thêu thùa, họ thường tự tay làm những bộ chăn, đệm, những chiếc khăn Piêu… và thổ cẩm đã trở nên một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của họ.
Chị Sầm Thị Khuyên (Bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) tâm sự: “Vải vóc trên thị trường nhiều và phong phú, nhưng sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến thì không thể thiếu được bởi vì không những làm trang phục cho người Thái mà còn được đa dạng hóa thành các thành phẩm được các khách hàng ưa chuộng như khăn trải bàn, tấm lót cốc, lót đĩa...”
Để tạo ra được những gam màu đẹp và bền, người phụ nữ Thái ở Quỳ Châu đi vào rừng, hay xuống đồng hái những lá cây cỏ như cà phê, cỏ mực... rồi đem xuống khe suối để rửa sạch cắt nhỏ, nấu sôi lên để nước màu ra. Với cách thức pha chế, tỷ lệ khác nhau người Thái Quỳ Châu đã cho ra các màu sắc như đỏ tím, xanh rêu, màu vàng cam, xanh nõn chuối, xanh lá cây... lên các loại chất liệu lanh, bông, tạo nên màu sắc tươi tắn, không bị phai màu và điều quan trọng hơn đó là không ảnh hưởng sức khỏe thân thiện với môi trường.
Các sản phẩm thổ cẩm như váy, áo thái, khăn piêu sử dụng các kỹ thuật dệt độc đáo như dệt kết hoa văn trên khung; dệt ikat; dệt thảm…. Điều đáng nói ở đây chính là vải thổ cẩm của làng nghề Hoa Tiến không chỉ được ưa chuộng bởi những hoa văn trang trí đẹp mắt mang đầy ý nghĩa nhân văn mà còn mang nét đặc trưng riêng, khác hẳn với những sản phẩm thổ cẩm ở các vùng, miền khác.
Quỳ Châu còn biết đến là vùng đất của những ché rượu cần cùng những cô gái Thái xinh đẹp trong điệu múa xòe của vùng sơn cước… con gái mường Chiêng Ngam từ trước tới nay ai cũng có đôi bàn tay giỏi thêu thùa, dệt thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm của họ được hội tụ bởi nhiều nét tinh hoa văn hóa của vùng miền, ở đó bạn không khó nhận ra màu xanh của cây rừng, màu hồng, màu đỏ của những cánh hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời trên từng khuông vải… tạo nên một phong cách riêng trong trang phục của người Thái mường Chiêng Ngam.
Và ở đó, bạn cũng sẽ nhận ra tình yêu và niềm đam mê nghề như một nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái nơi đây. Chị Sầm Thị Bích, Chủ nhiệm HTX thổ cẩm Bản Hoa Tiến 2 cho biết: “Đồng bào Thái thì không thể thiếu được sản phẩm thổ cẩm. Từ việc vui cho đến việc buồn thì vẫn phải dùng đến mặt hàng thổ cẩm này...”.
Do các loại nguyên liệu nhuộm mang tính mùa vụ, cho nên người dân ở đây được sự hỗ trợ của các dự án, các vườn cây thuốc nhuộm đã được xây dựng tại địa phương, bên cạnh đó các loại bột nhuộm được sản xuất tự nhiên cũng đã được sản xuất để đảm bảo sự sản xuất liên tục của chị em.
Chị Khuyên, chị Bích cũng như nhiều phụ nữ ở Quỳ Châu không những đã dệt nên những tấm vải thổ cẩm để phục vụ chính mình và gia đình mình mà còn dệt màu cho cuộc sống thêm tươi đẹp. Góp phần làm giàu bằng chính đôi tay của mình và giữ gìn bản sắc dân tộc.
Hàng dệt thổ cẩm nhuộm tự nhiên của người Thái đã thực sự chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Nghệ thuật nhuộm màu sử dụng các loại chất liệu cỏ cây, hoa, lá của người Thái mà không có nơi nào có thể sánh được đã nâng giá trị hàng dệt Thái lên thành một loại mặt hàng thời trang cao cấp, các sản phẩm của dân tộc Thái Việt Nam có mặt tại thị trường Mỹ.
Nói về sản phẩm thổ cẩm bản Hoa Tiến, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết: “Có nhiều người đã rất ngỡ ngàng với những sản phẩm thổ cẩm của Việt Nam, đặc biệt là thổ cẩm Quỳ Châu, sản phẩm cũng là hoa văn người Thái nhưng với thiết kế đưa vào thì vô cùng đẹp, độc đáo, sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế”.
Sản phẩm thổ cẩm được người dân ở đây tranh thủ làm vào thời gian rãnh rỗi, xong việc đồng áng họ tổ chức thêu dệt tại nhà, trung bình 1 tháng mỗi thành viên làm ra được 8 - 10 sản phẩm với đủ các chủng loại, kích cỡ khác nhau, mang lại nguồn thu nhập thêm từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, đã đóng góp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân.
Dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn do những biến động của nền kinh tế toàn cầu, nhưng với những sản phẩm thổ cẩm mang đậm tính nhân văn với các giá trị truyền thống của dân tộc Thái, với nghệ thuật nhuộm tự nhiên thân thiện với môi trường, chắc chắn các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Thái ở Việt Nam nói chung và ở Quỳ Châu nói riêng sẽ tiếp tục vươn xa.