Đền Vua Lê - Điểm đến trong hành trình khám phá di sản văn hóa Xứ Lạng
Lê Thái Tổ là vị vua đầu tiên của thời Hậu Lê có nhiều công tích trong chiến đấu chống quân Minh. Ông là người đã dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn từ năm 1418 đến năm 1428, lãnh đạo Nhân dân đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, đem lại nền độc lập dài lâu cho đất nước. Từ lòng ngưỡng vọng và biết ơn những người có công với dân với nước, nhiều ngôi đền thờ Đức vua Lê Thái Tổ đã được lập nên ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Đền Vua Lê (thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) là một trong những ngôi đền thiêng đó.

Đền Vua Lê tại thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn
Ngày nay, ở nước ta có rất nhiều điểm di tích liên quan đến Vua Lê được Nhân dân biết tiếng. Lớn nhất là khu đền thờ Vua Lê Thái Tổ và các vị vua nhà Lê ở khu di tích Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) quê hương ông. Bên cạnh đó là các ngôi đền được lập ở những nơi diễn ra hoạt động hoặc ghi dấu chiến công của ông như: làng Mỹ Xá (xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương); thôn An Biên 2 (xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh); xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu); làng Đền (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng); làng Lộc Điền (xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An)...
Đền Vua Lê (thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng) là ngôi đền duy nhất ở Lạng Sơn nằm trong hệ thống các di tích thờ Vua Lê Thái Tổ ở nước ta. Đền có từ rất lâu đời. Theo các tư liệu cổ, khởi nguyên là một ngôi miếu nhỏ thờ Thành hoàng của làng, sau được dòng họ Thổ ty Nguyễn Đình tu sửa trở thành nơi thờ vọng Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế. Họ Nguyễn Đình là một trong “thất tộc Thổ ty” của Lạng Sơn (gồm 7 dòng họ: Vi, Hà, Nguyễn Đình, Nguyễn Khắc, Nông, Hoàng Đức, Hoàng Đình). Thủy tổ Nguyễn Thế Chương quê ở Nghệ An là một trong những tướng lĩnh đã chiêu mộ quân theo Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi trong khởi nghĩa Lam Sơn. Đất nước thái bình, ông được nhà vua phong tước, tin cẩn giao việc cai quản, trấn giữ biên cương. Đồng thời ban sắc chỉ cho ở lại Lạng Sơn, đời nối đời thế tập, lấy xã Xung Minh, Hoàng Đồng (châu Thoát Lãng) làm quê quán. Với lòng trung quân ái quốc, biết ơn vị vua đã ban tặng ân đức cho dòng họ của mình, ở miền quê mới, dòng họ Nguyễn Đình đã lập đền thờ phụng vua Lê Thái Tổ. Đó chính là đền Vua Lê ở thành phố Lạng Sơn hiện nay.
Bên cạnh đó, ngày nay trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều sự tích khác nhau về ngôi đền. Có người cho rằng đây là nơi Lê Lợi đã từng qua. Thời gian dừng chân ở đây ngài đã cho quân xây thành đắp lũy, sách Đại Nam nhất thống chí gọi đó là “Lũy cổ Hoàng Đồng”, dấu tích hiện vẫn còn ở gần đền Vua Lê. Sau khi Lê Lợi cùng quân sĩ rút đi, tưởng nhớ công lao của ngài, Nhân dân đã lập đền thờ. Cũng có một tích khác cho rằng, sau đại thắng quân Minh tại Chi Lăng (Lạng Sơn), trước khi về Đông Đô lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã đến nơi đây chỉ dụ quan quân, tướng sỹ. Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Thái Tổ băng hà, các chủ tướng được giao gìn giữ biên cương và Nhân dân địa phương đã cùng nhau lập đền thờ nhà vua ở tại nơi này…
Theo bản Tục lệ xã Hoàng Đồng, tổng Hoàng Đồng, châu Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, chép năm Khải Định thứ 4 (1919), đền vua Lê có tên gọi là miếu Lê Thái Tổ Đại Vương. Đây là một trong ba ngôi miếu của xã Hoàng Đồng được Nhân dân thờ cúng khi đó. Việc cúng tế chung diễn ra trong các dịp lễ, tết: Tết Nguyên đán, Lễ Thượng Nguyên (15 tháng Giêng), Thanh minh (3/3), tiết Đoan dương (5/5), Trung Nguyên (15/7), lễ Tế thu (15/8)… Đặc biệt, tại ngôi miếu này còn có riêng ngày lễ mùng 10/4 âm lịch với nhiều nghi thức tế thần rất trọng thể.
Theo các tư liệu của Bảo tàng Lạng Sơn, vào năm 1924, ngôi miếu nhỏ đơn sơ lợp tranh đã được con cháu dòng họ Nguyễn Đình chủ trì trùng tu tôn tạo, xây lại bằng gạch, lợp ngói âm dương, mang nét đặc trưng của một kiến trúc tín ngưỡng ở vùng núi, biên giới. Đền có quy mô nhỏ, rộng khoảng 30m2, gồm 3 gian: gian chính giữa thờ Vua Lê, hai bên tả, hữu thờ các vị tướng nhà Lê và Đức Ông – vị thần Hộ Pháp chuyên trông coi đền. Các tư liệu lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, vào thời Nguyễn, đền từng được ban tặng 5 bản sắc phong: 2 bản đời vua Tự Đức (năm 1857 và 1880), 1 bản đời vua Đồng Khánh (năm 1887), 1 bản đời vua Duy Tân (năm 1909), 1 bản đời vua Khải Định (năm 1924). Nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay đã bị thất lạc, không còn giữ được bản sắc phong nào.
Lễ hội truyền thống đền Vua Lê được tổ chức ngày 23 tháng Giêng hằng năm. Đây là dịp Nhân dân bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn với Vua Lê Thái Tổ, thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Trong lễ hội có nghi thức tế lễ, dâng hương tưởng nhớ Vua Lê và các tướng lĩnh đã theo vua giết giặc. Ngoài lễ vật của bản đền, các gia đình ở đó sắm mâm lễ đến cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, may mắn... tạo nên nét độc đáo của ngày hội này. Hội có các trò chơi, trò diễn đặc sắc như: múa sư tử, kéo co, đánh cờ người, hát sli giao duyên của nam, nữ dân tộc Nùng… Trong nhiều năm qua, lễ hội đã thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương đến chiêm bái.
Trải qua thời gian 100 năm tồn tại, ngôi đền đã bị xuống cấp. Năm 2024 vừa qua, từ nguồn xã hội hóa, di tích đã được trùng tu tôn tạo trở nên quy mô, khang trang hơn nhưng vẫn giữ được hình ảnh thân thuộc của ngôi đền cũ. Đền có diện tích khoảng gần 200m2, kết cấu theo kiểu chữ “Tam”. Gian Tiền tế thờ các quan. Ở Hậu cung, ngoài nhân vật chính được thờ là Vua Lê Thái Tổ còn có Nguyễn Trãi – quan đại thần thân tín luôn “sát cánh” cùng nhà vua trong cả việc quân lẫn chính sự; Lê Lai - một tướng lĩnh đã hy sinh thân mình cứu Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn. Không gian di tích đã được tôn tạo đảm bảo mỹ quan, hài hòa với kiến trúc và cảnh quan của phố xá, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân.
Đền Vua Lê là di tích có ý nghĩa nhiều mặt về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng. Đặc biệt gắn với sự hình thành, phát triển của các dòng họ Thổ ty trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước ở vùng biên cương Tổ quốc. Được xếp hạng cấp tỉnh từ năm 2002, di tích đền Vua Lê là một trong những điểm đến đầy sức hút trong hành trình khám phá di sản văn hóa Xứ Lạng trong những ngày xuân này.