Đến với bài thơ hay: Vẻ đẹp lộng lẫy và kỳ vĩ

Giờ đây, 'khúc hát ru' mẹ 'thay bằng lời cầu nguyện' để con mẹ được siêu thoát và an nghỉ nơi vĩnh hằng.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Quang Thiên Phú

Khúc hát ru huyền thoại

Tháng Bảy về mẹ lại hát ru anh

Khúc hát ru xưa thay bằng lời cầu nguyện

Tiếng ru thì thầm theo khói hương bay vào vô tận

Đến những chiến hào xưa... máu nhuộm đỏ chiến trường

Nâng niu di ảnh và những tấm huân chương

Mẹ vuốt ve và gọi tên những đứa con của mẹ

Các anh nhìn mẹ cười nụ cười rất trẻ

Ôi! Những nụ cười khắc mãi dấu thời gian

Mẹ nhìn các con khẽ cất tiếng “đặc khàn”

Lời mẹ ru

Vọng vào lòng đấtnơi những đứa con yên nghỉ

Cho đất nước yên bình

Những con đường rộng mở

Cho Tổ quốc vươn cao

Quê hương thêm rạng rỡ

Cho em bé no tròn giấc ngủ đưa nôi

Tóc mẹ bạc dần hóa những áng mây trôi

Nơi xa xôi các anh có nghe những khúc ru...

Huyền thoại.

Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công và các liệt sĩ đã hy sinh trong những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước là nét đẹp đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Bài thơ “Khúc hát ru huyền thoại” của tác giả Quang Thiên Phú (là bút danh của thầy giáo Lê Khắc Dinh ở Yên Thành, Nghệ An), tiếp tục nguồn cảm hứng tri ân người có công với dân, với nước với cách biểu đạt rất riêng.

Thi phẩm là niềm xúc động dạt dào trước sự hy sinh cao đẹp của các liệt sĩ và tấm lòng yêu thương con vô hạn của người mẹ Việt Nam.

Bài được trình bày theo thể tự do. Cách biểu đạt này phù hợp với cảm xúc phóng khoáng, nhiều cung bậc qua những câu thơ đa dạng từ 2 đến 12 âm tiết.

Thi phẩm phản ánh niềm xúc động nghẹn ngào, dào dạt như nỗi lòng chất chứa nhớ thương của người mẹ với đứa con liệt sĩ.

Với trí tưởng tượng phong phú, tác giả như thấy hiển hiện trước mắt nơi chiến hào biên giới, người chiến sĩ - con trai yêu quý, núm ruột xiết bao yêu thương của mẹ ngã xuống. Lúc anh còn thơ, bao đêm trường mẹ hằng hát ru con. Giờ đây, người con ấy đã đi xa mãi mãi, mẹ vẫn không tin đó là sự thật. Mẹ vẫn hát ru con vào mỗi dịp tháng Bảy nghĩa tình:

Tháng Bảy về mẹ lại hát ru anh

Khúc hát ru xưa thay bằng lời cầu nguyện

Tiếng ru thì thầm theo khói hương bay vào vô tận

Đến những chiến hào xưa... máu nhuộm đỏ chiến trường”

Tháng Bảy hằng năm có ngày lễ kỷ niệm 27/7, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm tri ân, tháng đáp đền ơn nghĩa người có công với đất nước, đặc biệt là với các liệt sĩ. Lòng người mẹ lại trào dâng nỗi nhớ niềm thương đứa con đi xa. Mẹ từng gửi gắm qua “khúc hát ru” vỗ về, đưa con hồi thơ bé vào giấc ngủ ngon lành năm xưa. Giờ đây, “khúc hát ru” mẹ “thay bằng lời cầu nguyện” để con mẹ được siêu thoát và an nghỉ nơi vĩnh hằng.

Những câu thơ khiến người đọc rưng rưng nước mắt trước hình ảnh đôi tay gầy của mẹ:

“Nâng niu di ảnh và những tấm huân chương

Mẹ vuốt ve và gọi tên những đứa con của mẹ”

Tấm huân chương là biểu tượng cho vinh quang và sự cống hiến được Tổ quốc ghi nhận, điều ấy thật đáng quý nhưng không làm mẹ nguôi nỗi nhớ thương con. Mẹ gọi tên từng đứa con yêu dấu trên bia mộ. Đáp lại tấm lòng của mẹ:

“Các anh nhìn mẹ cười nụ cười rất trẻ

Ôi! Những nụ cười khắc mãi dấu thời gian”

Câu thơ cảm thán với những hình ảnh rất chân thực. Trong thơ như có họa, tác giả đã làm tạc lên bằng thơ nụ cười tươi trẻ rạng rỡ của đứa con liệt sĩ “mãi mãi tuổi 20” trên di ảnh, trong nỗi nhớ thương của đấng sinh thành.

Cảm xúc sâu lắng nhất trong bài là những âm thanh “đặc khàn” cất lên từ sâu thẳm gan ruột mẹ: “Lời mẹ ru/ Vọng vào lòng đất”. Mẹ giàu đức hy sinh, vị tha, bao dung nên lời cầu nguyện của mẹ chẳng vì cá nhân con hay gia đình riêng của mẹ. Mẹ cầu mong khấn nguyện chung:

“Cho đất nước yên bình

Những con đường rộng mở

Cho Tổ quốc vươn cao

Quê hương thêm rạng rỡ

Cho em bé no tròn giấc ngủ đưa nôi”

Điều mẹ mong ước, khát khao nhất là mọi người, mọi nhà có cuộc sống hòa bình, nhân dân được sống yên ổn, Tổ quốc được mạnh giàu, quê hương phát triển, em thơ được ăn no, ngủ yên. Từ niềm xúc động thành kính trước tấm lòng của mẹ và cảm hứng sử thi, tác giả kết thúc bài bằng thơ hình ảnh người mẹ mái tóc bạc bồng bềnh như mây trắng, một vẻ đẹp lộng lẫy và kỳ vĩ:

“Tóc mẹ bạc dần hóa những áng mây trôi

Nơi xa xôi các anh có nghe những khúc ru... huyền thoại”.

Lời thơ cô lại, những câu ngắn tựa như tiếng nấc nghẹn ngào của chủ thể trữ tình thương quý và cảm phục tấm lòng cao cả của người mẹ liệt sĩ. Tấm lòng vị tha, nhân hậu và tình yêu thương con vô bờ của người mẹ trong bài thơ là điển hình của biết bao bà mẹ Việt Nam. Bài thơ là lời nhắc nhớ chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của những người mẹ và các liệt sĩ.

Nguyễn Thị Thiện (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Thất, Hà Nội)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-ve-dep-long-lay-va-ky-vi-post691523.html
Zalo