'Đến từng nhà, gặp từng người' vận động người dân tham gia bảo hiểm

Vận động một người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đã khó, nhưng để duy trì bền vững còn khó hơn. Bốn năm gắn bó với công việc tuyên truyền, tư vấn người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, chị Vương Thị Hạnh, sinh năm 1985, công chức văn hóa xã hội, phụ trách Lao động Thương binh và Xã hội tại UBND xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) với cách làm linh hoạt, sáng tạo, sự nhiệt tình đã thu hút hàng trăm người tham gia BHXH tự nguyện.

Chị Vương Thị Hạnh được đào tạo nhân viên thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thuộc tổ chức dịch vụ thu của Bưu điện từ năm 2020 đến nay. Chị là người năng nổ, nhiệt tình trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT tại địa phương. Trong quá trình làm nhân viên thu bảo hiểm, chị Hạnh đã kiên trì “đến từng nhà, gặp từng người” tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

 Chị Hạnh đến tận nhà trao sổ BHXH cho người dân tham gia BHXH tự nguyện. (Ảnh : Hà Thị Nhung)

Chị Hạnh đến tận nhà trao sổ BHXH cho người dân tham gia BHXH tự nguyện. (Ảnh : Hà Thị Nhung)

Chị Hạnh luôn tâm huyết, tuyên truyền giúp nhiều người dân hiểu được đây là chính sách ưu việt, mang lại lợi ích lớn cho những người lao động tự do. Đồng thời là dẫn chứng cụ thể của những người được hưởng lương hưu tại địa phương. Đó là, tuy lương hưu có thể chưa nhiều nhưng không phải nhờ cậy đến con cháu lúc tuổi già để họ “thấm” dần, từ đó họ hiểu, yên tâm khi tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng thời, chị Hạnh luôn bám sát, tranh thủ sự phối hợp của các đồng chí Bí thư chi bộ các thôn, lồng ghép tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại các buổi họp chi bộ, họp thôn. Đặc biệt, chị Hạnh xác định lựa chọn người lao động trong độ tuổi tiềm năng, sau đó sắp xếp thời gian hợp lý đến vận động, tuyên truyền trực tiếp tại nhà để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Hiện nay, số người tham gia BHXH, BHYT do chị Vương Thị Hạnh đang khai thác và thu là 123 người. Trong đó, tăng mới năm 2024 là 13 người, tái tục 80 người và 30 người tham gia BHYT hộ gia đình.

Chị Hoàng Thị Mon, thôn Nà Sài, xã Minh Ngọc tâm sự: “Là lao động tự do, thu nhập không ổn định nên ban đầu cũng không có ý định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng, với sự nhiệt tình và sự kiên trì trong công tác tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về chế độ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của chị Hạnh, tôi hiểu và thấy rất thiết thực phù hợp với bản thân nên đã tham gia”.

Nói về những khó khăn trong công tác tuyên truyền, chị Hạnh cho biết: “Việc kiêm nhiệm nhiều việc là rào cản khá lớn khiến tôi khó phân bổ thời gian hợp lý. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất đối với tôi có lẽ đến từ chính những người dân mà tôi muốn tuyên truyền. Trên thực tế, khi đi vận động một số gia đình cũng đang có những hiểu nhầm giữa Bảo hiểm xã hội và các loại hình bảo hiểm thương mại khác. Từ những hiểu nhầm đó mà tôi cần phải có những giải thích về nghĩa vụ, quyền lợi… khi tham gia BHXH tự nguyện. Sau khi nghe tôi giải thích họ hiểu ra và đăng ký tham gia luôn. Điều đó khiến tôi vô cùng vui và hạnh phúc, giống như bản thân mình đã mang lại điều tốt đẹp cho người dân và cuộc sống vậy.”

Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, thuyết phục người dân tích cực tham gia bảo hiểm, chị Hạnh cho biết: “Để đạt được hiệu quả trong công tác tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thì bản thân phải nắm vững chính sách, truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ. Xác định công tác tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT là góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Bản thân đã được tham gia các buổi tập huấn do cơ quan BHXH tỉnh tổ chức, tôi đã chủ động nghiên cứu Luật BHXH, BHYT các văn bản hướng dẫn, các tài liệu, chương trình tuyên truyền về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình qua các phương tiện thông tin đại chúng để bổ sung, hoàn thiện vốn kiến thức của bản thân. Quan trọng nhất là phải kiên trì tuyên truyền, thuyết phục để mọi người hiểu tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Tôi cũng mong muốn sau này tất cả mọi người ai cũng có lương hưu để được an nhàn tuổi già, không phụ thuộc và không là gánh nặng cho con cháu”.

Vận động một người dân tham gia BHXH tự nguyện đã khó, nhưng để duy trì bền vững còn khó gấp đôi. Bởi theo chị Hạnh, người tham gia BHXH tự nguyện đa số là lao động tự do, đời sống khó khăn cho nên để vận động được một người dân tham gia liên tục, nhân viên thu phải đồng hành, theo suốt quá trình.

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, sự nhiệt tình của chị Hạnh, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn xã ngày một tăng cao. Đây là thành quả từ sự nỗ lực, cố gắng rất lớn nhằm nâng cao nhận thức người dân về tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Từ đó, chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình góp phần hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi cho nhân dân, người lao động trên địa bàn huyện.

Hà Thị Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/den-tung-nha-gap-tung-nguoi-van-dong-nguoi-dan-tham-gia-bao-hiem-post390327.html
Zalo