Đền Thủy Lâm Động và dấu ấn tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đồng Nai

Ngày 12-7-2024, UBND huyện Định Quán phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, các đơn vị liên quan tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh và trao bằng xếp hạng cấp tỉnh di tích lịch sử đền Thủy Lâm Động (huyện Định Quán). Đây là nơi gắn liền với lịch sử phát triển vùng đất Túc Trưng - Định Quán, của đội ngũ công nhân cao su và dấu ấn đậm nét quá trình du nhập tín ngưỡng thờ Mẫu vào vùng đất Đồng Nai.

Nghi thức hầu đồng tại đền Thủy Lâm Động

Nghi thức hầu đồng tại đền Thủy Lâm Động

Từ đồn điền cao su Túc Trưng đến sự ra đời đền Thủy Lâm Động

Năm 1884, sau khi cơ bản hoàn thành quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp bước vào công cuộc khai thác thuộc địa, vơ vét, bóc lột sức lao động, thành lập đồn điền cao su trên khắp các tỉnh ở Nam Kỳ. Lô cao su đầu tiên với tên gọi “Lô 9” được thực dân Pháp trồng thử nghiệm tại đồn điền Suy-da-na (Dầu Giây) thuộc làng An Lộc, tổng Bình Lâm Thượng, tỉnh Biên Hòa. Năm 1908, Công ty Cao su Đồng Nai (Les caoutchous du Donai, viết tắt LCD) được thành lập (trụ sở chính đóng ở Paris - Pháp). Trong các năm từ 1914-1918, công ty tập trung khai thác, xây dựng 3 đồn điền cao su: đồn điền Trảng Bom, đồn điền Cây Gáo (huyện Trảng Bom) và đồn điền Túc Trưng (huyện Định Quán).

Tại đồn điền Túc Trưng đội ngũ công nhân phần lớn là dân phu từ miền Bắc (Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng), miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị…) được tuyển mộ vào đồn điền, đa số họ là những nông dân nghèo bị địa chủ phong kiến bóc lột, phải chấp nhận ký giao kèo “contrat” vào miền Nam làm phu cao su. Cuộc sống của người công tra tại các đồn điền hết sức vất vả, phải lao động khổ sai, ở tập trung trong những lán trại rách nát, ăn uống khổ cực. Thân phận những người nông dân nghèo khi đi làm phu cao su không có của cải đáng giá, thứ duy nhất họ mang theo là niềm tin vào các vị thần linh được tôn thờ khi còn ở quê hương xứ sở. Trên vùng đất mới, đối diện với thiên nhiên còn hoang hóa, dịch bệnh, sự hà khắc của chủ đồn điền cùng bọn cai, xu và tư bản thực dân Pháp; người công tra chỉ biết khấn nguyện mong được thần linh phù hộ, che chở cho họ có cuộc sống bớt khổ cực.

Năm 1924 tại con suối nơi thường lấy nước sử dụng sinh hoạt, các công tra xin chủ đồn điền cho dựng ngôi miếu thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Năm 1957, ông Nguyễn Gia Sản cùng với các công tra cao su Túc Trưng tiến hành sửa chữa, mở rộng diện tích và bổ sung ban thờ Mẫu Liễu Hạnh, đặt tên đền Thủy Lâm Động. Năm 2002 đền được trùng tu tạo nên diện mạo ngày nay với các hạng mục: cung đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, Đức thánh Trần Hưng Đạo, nhà tổ… thờ Tam Phủ (mẫu Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải), Đức thánh Trần Hưng Đạo, Quán Thế Âm Bồ Tát, phối thờ Chầu Lục, Chầu Bé… và những bậc tiền hiền có công tạo dựng đền. Hàng năm, tại đền tổ chức lễ tiệc Mẫu ngày 26-2 (âm lịch), lễ tiệc Bản đền ngày 20-9 (âm lịch)…

Những giá trị lịch sử - văn hóa

Tại Định Quán, đền Thủy Lâm Động gắn liền với quá trình phát triển của cộng đồng cư dân ở vùng đất Túc Trưng từ lúc lập làng, là chứng tích cho lịch sử đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Túc Trưng chống thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, công nhân cao su Túc Trưng tiếp tục góp phần xây dựng lực lượng vũ trang huyện Định Quán, cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Đền Thủy Lâm Động có kết cấu kiến trúc mái chồng diêm, nội thất trang trí hệ thống hoành phi, liễn đối, cửa võng nhiều chủ đề “lưỡng long chầu nhật”, “long phụng”, “tứ linh”… và hệ thống tượng thờ có giá trị lịch sử, mỹ thuật được người xưa tạo tác, gửi gắm thông điệp cầu cho cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa. Đặc biệt, hệ thống các vị thần được thờ cúng vốn là những nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Xí… Khi sống họ là những người có tài, có đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, khi mất hiển linh, là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước.

Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua nghi lễ lên đồng tại đền Thủy Lâm Động thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần đươc cộng đồng thực hành, sáng tạo và trao truyền qua các thế hệ. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong hầu đồng thể hiện nhu cầu và khát vọng của con người về sức khỏe, cầu bình an, làm ăn phát đạt, mong ước đất nước thái bình, qua đó lan tỏa và làm phong phú thêm giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Tất cả những yếu tố đó đã trở thành hạt nhân quan trọng cấu thành một quần thể kiến trúc thờ Mẫu độc đáo của tỉnh Đồng Nai.

Việc UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử đền Thủy Lâm Động là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.

Nguyễn trí Nghị

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202410/den-thuy-lam-dong-va-dau-an-tin-nguong-tho-mau-tai-dong-nai-f3549c4/
Zalo