Đền thờ Bác Hồ tại Châu Thới: Tấm lòng Bạc Liêu tri ân Bác

Đền thờ Bác Hồ tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới là nơi giáo dục truyền thống, tri ân sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu với vị cha già dân tộc.

Khởi nguồn từ lòng kính yêu vô hạn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho miền Nam ruột thịt. Ước nguyện lớn nhất của Bác là khi đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà, Bác sẽ vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam, những người đã kiên cường, anh dũng chiến đấu trong khói lửa chiến tranh. Thế nhưng, ước nguyện đó chưa kịp thực hiện thì Người đã vĩnh biệt trần thế. Tin Bác mất vào ngày 2/9/1969 khiến nhân dân cả nước bàng hoàng, đau xót, trong đó có đồng bào miền Nam nói chung và nhân dân tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

 Đền thờ Bác Hồ tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Baclieu.gov.vn

Đền thờ Bác Hồ tại ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Baclieu.gov.vn

Với tấm lòng thành kính và tiếc thương vô hạn đối với Bác, ngay sau lễ tang, Huyện ủy Vĩnh Lợi (tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ, nay thuộc tỉnh Bạc Liêu) đã phát động toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện xây dựng một nơi để tưởng niệm, ghi nhớ công lao trời biển của Bác Hồ. Ban đầu, một căn nhà dân được mượn để làm nơi đặt bàn thờ Bác, tổ chức lễ tưởng niệm và sinh hoạt chính trị. Tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng nơi đây đã sớm trở thành địa chỉ linh thiêng, nơi hội tụ tấm lòng của người dân hướng về Người.

Tháng 3/1970, Xã ủy Châu Thới thực hiện chủ trương của Huyện ủy Vĩnh Lợi, chính thức bắt tay vào kế hoạch xây dựng Đền thờ Bác Hồ tại ấp Bà Chăng A. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, vùng đất này vẫn còn nằm trong vùng chiến sự, việc xây dựng một công trình kiên cố như vậy là điều hết sức nguy hiểm và đầy thử thách. Thực tế, hai lần đầu tiên Đền thờ bị quân địch phát hiện và tàn phá, song điều đó không làm lung lay ý chí và quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Châu Thới. Họ tiếp tục bắt tay xây dựng lại với vật liệu kiên cố hơn là xi măng, sắt thép, với mong muốn giữ gìn lâu dài nơi tưởng niệm Người.

Do chiến sự ác liệt, việc vận chuyển vật liệu gặp vô vàn khó khăn. Người dân không thể vận chuyển tập trung vì sợ bị phát hiện nên đã nghĩ ra cách: Mỗi người mang theo một ít, đi bằng nhiều đường khác nhau, chia thành từng nhóm nhỏ để tránh đồn bốt giặc. Cứ như vậy, từng bao xi măng, bó thép được đưa vào khu vực xây dựng, dần tập kết đủ để khởi công. Vào lúc 10 giờ sáng ngày 25/4/1972, Lễ khởi công xây dựng Đền thờ Bác chính thức diễn ra trong không khí trang nghiêm. Trong vòng 24 ngày đêm, bất chấp mưa nắng, đạn bom, cán bộ và nhân dân xã Châu Thới đã cùng nhau xây dựng và hoàn thành công trình tâm linh đầy thiêng liêng này.

Những hình ảnh bên trong nhà trưng bày tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Châu Thới. Ảnh: Trần An

Những hình ảnh bên trong nhà trưng bày tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Châu Thới. Ảnh: Trần An

Sáng ngày 19/5/1972, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 82 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ khánh thành Đền thờ Bác Hồ được tổ chức trọng thể. Hơn một ngàn người dân trong xã và các chiến sĩ huyện Vĩnh Lợi đã có mặt, trong niềm xúc động thiêng liêng và tự hào. Từ đó đến nay, ngôi đền trở thành biểu tượng không chỉ của lòng tôn kính, biết ơn mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong vùng.

Địa chỉ đỏ trên hành trình về nguồn

Sau ngày đất nước thống nhất, Đền thờ Bác Hồ tiếp tục được trùng tu, tôn tạo nhiều lần để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa và tâm linh ngày càng cao của nhân dân. Đặc biệt, vào năm 2010 - 2011, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai dự án mở rộng và xây dựng mới khu Đền thờ với tổng diện tích hơn 45.000m², trong đó giai đoạn 1 hoàn thành 11.000m², giai đoạn 2 mở rộng thêm 34.000m². Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ công trình hơn 54 tỷ đồng, được huy động từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và sự đóng góp của nhân dân.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thắp hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Baclieu.gov.vn

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thắp hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Baclieu.gov.vn

Đền thờ Bác Hồ hiện nay là một quần thể kiến trúc khang trang, bề thế, được quy hoạch bài bản với nhiều hạng mục quan trọng như: Đền thờ chính - nơi đặt chân dung Bác; nhà truyền thống trưng bày hiện vật, hình ảnh tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người; nhà bao che; hội trường; sân lễ; khuôn viên công viên cây xanh và hồ sen. Trong khuôn viên còn có khu vườn trồng nhiều loại cây xanh do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn thể trồng lưu niệm khi đến viếng thăm, thể hiện sự kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai.

Một điểm đặc biệt trong khu di tích là hồ sen - loài hoa được xem là biểu tượng của tâm hồn Việt, luôn gắn liền với hình ảnh của Bác Hồ: Giản dị, thanh cao và tinh khiết. Nơi đây cũng có phòng chiếu phim tư liệu phục vụ du khách tham quan, giúp người xem có cái nhìn khái quát về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từng bức ảnh, từng hiện vật trong khu trưng bày đều được gìn giữ cẩn thận, tỉ mỉ, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Hằng năm, vào các dịp lễ lớn như sinh nhật Bác (19/5), Quốc khánh (2/9), ngày mất của Bác (2/9), nơi đây đều tổ chức các hoạt động tưởng niệm, lễ dâng hương, dâng hoa và báo công với Bác. Đặc biệt, các đoàn học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh thường xuyên tổ chức về nguồn tại Đền thờ để ôn lại truyền thống cách mạng, học tập và noi gương đạo đức, phong cách của Bác. Các hoạt động như kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, Đội cũng thường xuyên được tổ chức tại đây, tạo không khí trang nghiêm, thiêng liêng, giúp thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của độc lập, tự do mà Bác và bao thế hệ cha anh đã dày công vun đắp.

Trong những năm qua, Đền thờ Bác Hồ tại Châu Thới đã trở thành điểm đến tham quan du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn của tỉnh Bạc Liêu. Du khách đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng kiến trúc đền thờ, tìm hiểu về cuộc đời Bác, mà còn để cảm nhận tình cảm sâu nặng, lòng trung kiên của nhân dân miền Nam đối với Người. Mỗi người khi rời khỏi nơi này đều mang theo những cảm xúc lắng đọng, những bài học đạo đức sâu sắc và hơn hết là niềm tự hào dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ.

Việc xây dựng, gìn giữ và phát huy giá trị của Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới không chỉ là sự tri ân đối với công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, ý chí vượt khó và niềm tin sắt son vào Đảng, vào Bác của nhân dân nơi đây. Dù Bác chưa từng đặt chân đến mảnh đất này, nhưng hình bóng và tư tưởng của Người đã hiện diện trong trái tim mỗi người dân Bạc Liêu, trong từng mái nhà, hàng cây, lối đi của khu di tích.

Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới - công trình không chỉ là nơi thờ phụng, tưởng niệm, mà còn là biểu tượng thiêng liêng của lòng dân hướng về Người. Nơi đây sẽ mãi là "địa chỉ đỏ" trên hành trình giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như tâm nguyện của Bác lúc sinh thời.

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/den-tho-bac-ho-tai-chau-thoi-tam-long-bac-lieu-tri-an-bac-388092.html
Zalo