Đền Sóc đón hàng vạn du khách đến Lễ hội Gióng 2025

Sáng 3/2, (mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội Gióng đền Sóc đã chính thức khai mạc tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc, huyện Sóc Sơn. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cùng đại diện các sở, ngành đã đến tham dự.

Lễ hội Gióng đền Sóc là một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất trong văn hóa tín ngưỡng của người dân huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Lễ hội đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Đức Thánh Gióng - người có công dẹp giặc đem lại thái bình cho dân tộc Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cùng các đại biểu làm lễ dâng hương. (Ảnh: Hoàng Lân)

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cùng các đại biểu làm lễ dâng hương. (Ảnh: Hoàng Lân)

Năm 2025, lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 3 đến 5/2 (mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Mặc dù thời tiết chuyển lạnh, lất phất mưa, từ sáng sớm hàng nghìn người đã có mặt tham dự lễ khai hội.

Theo ông Tống Giang Phúc, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sóc Sơn, lượng khách đến đền Sóc từ trong Tết đã lên tới hàng vạn người.

Lễ hội bao gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ được xem là "hồn cốt" của lễ hội, bao gồm lễ rước 8 lễ phẩm truyền thống và lễ tế của các thôn làng. Tám lễ phẩm cung tiến dâng Đức Thánh gồm giò hoa tre, ngựa chiến, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, cô tướng và cầu húc.

Phần lễ được xem là "hồn cốt" của lễ hội, bao gồm lễ rước 8 lễ phẩm truyền thống và lễ tế của các thôn làng. (Ảnh: Hoàng Lân)

Phần lễ được xem là "hồn cốt" của lễ hội, bao gồm lễ rước 8 lễ phẩm truyền thống và lễ tế của các thôn làng. (Ảnh: Hoàng Lân)

Phần hội diễn ra phong phú với nhiều hoạt động như thi đấu thể dục thể thao gồm vật và bóng chuyền hơi, các trò chơi dân gian truyền thống như đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng và hội thi nấu cơm.

Đặc biệt năm nay là năm thứ ba liên tiếp tổ chức trình diễn nghi thức Kéo Mỏ và cuộc thi cầu húc quy mô toàn huyện. Ngoài ra còn có các hoạt động trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm du lịch, ẩm thực địa phương và sản phẩm OCOP đặc sắc của huyện.

Ban Tổ chức đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo an ninh, trật tự và văn minh. Các hoạt động dịch vụ và kinh doanh được siết chặt quản lý, nghiêm cấm việc nâng giá, buôn bán hàng giả, hàng nhái và ấn phẩm mê tín dị đoan.

Tình trạng bán hàng rong được kiểm soát chặt chẽ và các trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình đều bị cấm. Đặc biệt, cách thức tán lộc giò hoa tre đã được thay đổi để đảm bảo an toàn và nhận được sự đồng tình của người dân.

Trong sáng khai mạc lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác tổ chức lễ hội. Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, lễ hội được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, đúng tinh thần giữ gìn bản sắc truyền thống.

Đoàn kiểm tra đề nghị Ban Tổ chức cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và tuyên truyền giá trị văn hóa của lễ hội.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/den-soc-don-hang-van-du-khach-den-le-hoi-giong-2025-184101.html
Zalo