Đền ơn, đáp nghĩa bằng nhiều việc làm thiết thực

Tháng Bảy - Tháng tri ân, tháng cao điểm để các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các hoạt động 'Đền ơn đáp nghĩa', chăm lo các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa.

Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh và các đơn vị tặng quà gia đình thương binh Đinh Đắc Kiên (thôn Cao Bách, xã Gia Lập, Gia Viễn). Ảnh: Hoàng Nam

Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh và các đơn vị tặng quà gia đình thương binh Đinh Đắc Kiên (thôn Cao Bách, xã Gia Lập, Gia Viễn). Ảnh: Hoàng Nam

Ông Lê Tiến Lợi, xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Những ngày tháng Bảy, ông Lợi được đón các đoàn khách của huyện, của xã tới thăm, tặng quà và bày tỏ lòng tri ân trước những đóng góp của ông đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông Lợi rất xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, địa phương, bà con lối xóm dành cho các gia đình có công với cách mạng như gia đình ông.

Đặc biệt, ngôi nhà nhỏ còn thơm mùi vữa mà gia đình ông Lợi đang ở là món quà ý nghĩa mà ông nhận được từ sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương. "Tôi vốn ở trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp. Các con tuy đã trưởng thành, lập gia đình riêng song vì hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nên không thể giúp bố mẹ xây nhà mới.

Cuối năm 2022, tôi được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố. Có động lực ý nghĩa này, gia đình, dòng họ, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương chung tay giúp đỡ, tôi đã xây dựng ngôi nhà với diện tích 75m2 , trị giá 150 triệu đồng" - ông Lợi xúc động chia sẻ.

Đồng chí Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trong những năm qua, huyện Gia Viễn luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công. Tiêu biểu là các hoạt động: chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng, thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ; dạy nghề, tạo việc làm; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm.

Phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" đã huy động được nhiều nguồn lực chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, động viên, hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân; kịp thời rà soát, xử lý những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách.

Huyện Gia Viễn đã thực hiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa cho gần 800 hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương theo Quyết định số 22/2013/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và từ nguồn Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" huyện. Trong đó, từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội huyện và cấp xã là hơn 6 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã hỗ trợ xây dựng 8 nhà cho người có công có hoàn cảnh khó khăn.

Hàng năm, huyện trích ngân sách từ nguồn đảm bảo xã hội, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" để tổ chức các hoạt động tri ân, thăm hỏi, động viên người có công và thân nhân người có công nhân dịp Tết Nguyên đán, Quốc khánh 2-9; Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 với số tiền gần 300 triệu đồng. 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà bia, Đài tưởng niệm liệt sỹ. Đặc biệt, Nghĩa trang liệt sỹ huyện là nơi an táng của 1.078 liệt sỹ đã được đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mở rộng, tu sửa, cải tạo, nâng cấp, hiện nay đã cơ bản hoàn thành khang trang, sạch đẹp.

Với tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn sâu sắc, những năm qua, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa". Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đặc biệt, tỉnh ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên đề về công tác người có công hoặc lồng ghép với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là Nghị quyết số 03/NQ-BCSĐ ngày 8/1/2019 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người có công và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 23/2020/ NQ-HĐND ngày 27/5/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ từ 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng/người/tháng.

Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh...

Đồng chí Dương Viết Yên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Không chỉ thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với người có công, ở tỉnh ta, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" còn có sức lan tỏa rộng khắp, thu hút sự hưởng ứng tích cực của mỗi người dân trong cộng đồng.

Hàng năm, vào các ngày lễ, Tết, từ tỉnh đến cơ sở đều duy trì việc thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình liệt sỹ. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận và chuyển trên 77,4 nghìn suất quà trị giá hơn 24,6 tỷ đồng của Chủ tịch nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đến các xã, phường, thị trấn để trao tặng cho gia đình người có công, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời.

Tỉnh cũng đã phân công các cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh đang được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.

Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đã vận động ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" các cấp. Việc sử dụng Quỹ ở 3 cấp đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định, chủ yếu dành cho việc trợ cấp khó khăn, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà đại đoàn kết cho gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở; xây dựng và tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ...

Với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước và những chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh đối với gia đình người có công, đến nay tỉnh Ninh Bình không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/den-on-dap-nghia-bang-nhieu-viec-lam-thiet-thuc/d20230725082620905.htm
Zalo