'Đến lúc Việt Nam tăng cường vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu'
Những biến động thương mại toàn cầu có thể gây ra lo ngại nhất định, nhưng cũng đóng vai trò như một 'bộ lọc tự nhiên', thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiệu quả hơn.

Cách đây 5 năm, khi Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đón làn sóng dịch chuyển đầu tư mới, trong cuộc phỏng vấn với Tri Thức - Znews, ông Emanuel Pastreich, Chủ tịch Viện châu Á tại Washington (Mỹ), đã nhấn mạnh: “Trước khi đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, cần phải biết rằng liệu khoản đầu tư đó có mang lại lợi ích lâu dài hay không. Nếu đầu tư nước ngoài đáp ứng chiến lược của Việt Nam, hãy cân nhắc. Nếu không, cần phải từ chối”.
Giờ đây, trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi, việc tái cấu trúc chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) càng trở nên cấp thiết.
Giới chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra trọng tâm cần được chuyển hướng sang việc thiết lập bộ tiêu chí tuyển chọn nghiêm ngặt, nhằm thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng thực sự và đóng góp bền vững cho nền kinh tế quốc gia.
Kiên định mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Nghị quyết 77 do Chính phủ vừa ban hành, nhận định kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với thương chiến, xung đột địa chính trị và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8%.
Sự kiên định này được củng cố bởi nhiều yếu tố nền tảng. “Tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, sản xuất cho xuất khẩu phục hồi tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định.
Khi các động lực kinh tế toàn cầu thay đổi, những lợi thế của Việt Nam trong việc nâng cao giá trị gia tăng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng thay đổi
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam
Vị chuyên gia cho rằng thuế quan Mỹ gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam năm nay.
Dù vậy, trong 2 năm tới, tăng trưởng vẫn được dự báo duy trì vững chắc với mức lạm phát tăng nhẹ. Cải cách thể chế sâu rộng được kỳ vọng nâng cao hiệu quả của Chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng.
“Chính phủ Việt Nam đã đặt ra kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, điều này có thể giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ bên ngoài”, ông Chakraborty đánh giá.
Theo Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.
Những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung - dài hạn.
Các chuyên gia tại ADB đánh giá một trong những yếu tố then chốt là tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Khi các động lực kinh tế toàn cầu thay đổi, những lợi thế của Việt Nam trong việc nâng cao giá trị gia tăng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng thay đổi”, ông Chakraborty chỉ ra.
Để cải thiện được lộ trình phát triển kinh tế và tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, Việt Nam cần nắm bắt được những hạn chế và thách thức trong việc tham gia và nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này đồng nghĩa không nên chỉ dừng lại ở việc gia công, lắp ráp hay cung cấp nguyên liệu thô, mà cần tham gia vào các khâu có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ phức tạp hơn, từ đó nâng cao vị thế, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn, và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.
"Lửa thử vàng"
Việt Nam là một nền kinh tế mở với mức độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Trong năm 2024, ngành sản xuất định hướng xuất khẩu cũng đã trở lại là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023, thặng dự thương mại đạt khoảng 24,7 tỷ USD.
Theo ADB, Việt Nam sở hữu vị trí địa lý chiến lược ở Đông Nam Á, kết hợp với đường bờ biển dài và khả năng tiếp cận các thị trường lớn. Điều này giúp đất nước nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành sản xuất chế tạo, chế biến và xuất khẩu.
Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi, nên lợi thế của Việt Nam cũng thay đổi theo. Lợi thế lao động giá rẻ có thể giảm dần khi nền kinh tế phát triển và chi phí lao động tăng lên.
Các chuyên gia kinh tế của ADB nhấn mạnh việc hiểu rõ những thách thức là rất quan trọng để phân tích lộ trình phát triển kinh tế của đất nước.
Những thách thức về kết nối thương mại, sự khác biệt trong các chính sách và quy định là rào cản đối với doanh nghiệp. Các yếu tố như chất lượng quản trị, khác biệt về chính sách, chi phí giao dịch và chi phí vận chuyển cũng làm tăng thêm chi phí thương mại.
Trước khi đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, cần phải biết rằng liệu khoản đầu tư đó có mang lại lợi ích lâu dài hay không. Nếu đầu tư nước ngoài đáp ứng chiến lược của Việt Nam, hãy cân nhắc. Nếu không, cần phải từ chối
Ông Emanuel Pastreich, Chủ tịch Viện châu Á tại Washington (Mỹ)
Trong khi đó, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và những công ty nước ngoài hàng đầu vẫn chưa cao, các nhà cung cấp địa phương chưa liên kết lớn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt khó có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu nếu thiếu hụt đổi mới sáng tạo và khả năng hấp thụ công nghệ.
Việc chuyển sang phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn đòi hỏi lực lượng lao động tinh vi hơn với các bộ kỹ năng phù hợp. Có tiềm năng về lao động chất lượng cao, Việt Nam vẫn cần nâng cao kỹ năng trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động trong tương lai.
“Trong dài hạn, khi chi phí lao động tăng lên, đất nước phải chuyển sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn, cải thiện khả năng hấp thụ công nghệ và gia tăng năng suất”, ADB nhấn mạnh.
Để đáp ứng những thách thức này, cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất để phát triển bền vững.
Ông Emanuel Pastreich đã dẫn lại câu chuyện Trung Quốc bật lên thành nền kinh tế thứ hai thế giới nhờ đầu tư mạnh tay vào công nghệ và khoa học, như những gì Mỹ từng làm vào những năm 1950. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng trở thành cường quốc nhờ các chiến lược dài hạn.
“Họ rất cẩn trọng với những khoản đầu tư nước ngoài và sẵn sàng từ chối nếu không phù hợp với mục tiêu tự cung khoa học của quốc gia”, vị chuyên gia bình luận.