Đèn không hắt bóng: Khi tác phẩm chỉ là tác phẩm

Elena Ferrante trở thành nhà văn có tác phẩm được yêu thích nhất 25 năm đầu tiên của thế kỷ 21 do giới chuyên gia của tờ The New York Times bình chọn. Alice Munro sau khi qua đời bị chính con gái cáo buộc đã bỏ rơi mình dù biết cô bị lạm dụng bởi cha dượng.

Edna O'Brien - nhà văn đương đại lớn nhất Ireland - vừa mới ra đi. 3 sự kiện tưởng chừng không có điểm chung nhưng lại gặp nhau ở cách mà cuộc sống cá nhân có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của một nhà văn đến mức độ nào.

Dường như chỉ sau một đêm, Elena Ferrante đã trở thành cái tên nổi bật nhất của làng văn chương thế giới sau khi danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 của tờ The New York Times bình chọn được công bố. Sự chú ý ấy không chỉ đến từ cuốn "Người bạn phi thường" nằm ở vị trí đầu tiên, mà theo sau đó còn là 2 tác phẩm khác của vị nhà văn (trong tổng cộng 13 dịch phẩm ít ỏi), khiến bà trở thành một trong hai nhà văn có nhiều sách nhất và là nhà văn không viết tiếng Anh xuất hiện nhiều nhất trong danh sách này. Điều đó những tưởng là niềm vui ở mặt sự nghiệp, nhưng hóa ra lại là "thảm họa" với người như bà, nếu xét trên khía cạnh đời sống cá nhân.

Edna O'Brien và Alice Munro khiến ta nhìn lại tác động của đời sống cá nhân đến di sản văn chương.

Edna O'Brien và Alice Munro khiến ta nhìn lại tác động của đời sống cá nhân đến di sản văn chương.

Bởi lẽ bà là nhà văn hoàn toàn ẩn danh, người chưa một lần hiện diện trước truyền thông hoặc khẳng định rằng bản thân là ai. Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, bà từng nói mình "không thể viết nếu không ẩn danh". Những chi tiết ít ỏi người ta biết về Ferrante (theo đúng những gì mà bà khẳng định) gồm việc bà là phụ nữ, đã có con, sinh ra và lớn lên ở vùng Napoli thuộc Ý và là con gái của một người mẹ sống sót qua thời hậu chiến.

Trong khi 2 yếu tố sau đã được xác nhận qua các chi tiết phản ánh xã hội hấp dẫn trong "bộ tứ Napoli" mà "Người bạn phi thường" là cuốn đầu tiên, thì việc liệu bà có phải là một phụ nữ và đã có con không luôn là đề tài thu hút báo chí. Những gì có thể chứng minh bà đã thực hiện bằng văn chương của mình, nhưng điều thuộc về đời sống cá nhân, thì đáng tiếc thay lại không có gì để khẳng định nó khi bà ẩn danh.

Cũng vì lẽ đó, trong nhiều năm qua, với cương vị là nhà văn Ý đương đại lớn nhất và nổi tiếng nhất cả trong cũng như ngoài nước, danh tính thật sự của Ferrante vẫn là "con mồi béo bở" của truyền thông. Có người dùng đến công nghệ mới nhất như machine learning hay trí tuệ nhân tạo để so sánh từ vựng, ngữ pháp, phong cách sáng tạo... trong cách sáng tác của bà với những người nổi tiếng khác.

Trong khi cũng có nhà báo thu thập chứng từ giao dịch nhà đất, hóa đơn đóng thuế... của những "nghi can" mà mình khoanh vùng, từ đó khẳng định khoản thuế cao bất thường mà một dịch giả phải đóng là do nhuận bút thu được đứng dưới danh nghĩa Ferrante, vậy đây là bà chứ không ai khác... Tất cả nháo nhào trong khi điều cốt tủy nhất của một nhà văn đó là tác phẩm thì không mấy ai thật sự để tâm.

Điều này cho thấy với đa số độc giả, việc hiểu tường tận được người cầm bút là rất quan trọng. Trong suy nghĩ của họ, tác phẩm không hề tồn tại mà chỉ người đứng sau nó mới có "sức nặng". Cũng giống với thuyết "duy vật", giữa hàng trăm trang giấy của một cuốn sách thì thay vì thưởng thức chủ đề chính nhất là thế giới tinh thần của tác giả, thì giờ họ lại cố tìm hình dáng mờ ảo của người viết nó. Liệu đây là sự tò mò cố hữu mang tính nguyên thủy, hay ta đang sống trong một thời đại chia rẽ đến mức quan điểm của tác giả dù với những vấn đề không liên quan đến văn bản cũng ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm?

Câu hỏi nói trên rất khó trả lời, nhưng có một điểm không thể phủ nhận, đó là độc giả luôn muốn gán cho người viết sự vô nhiễm nguyên tội, trong sáng hết mực, bởi với họ, văn chương là lý tưởng, là ánh sáng dẫn dắt xã hội. Vì vậy cũng như thánh thần, ơn trên, những người sở hữu loại năng lực ấy cũng phải vô trùng và thật hoàn hảo. Nhưng câu hỏi là, có người thập toàn được như thế không, và liệu có đánh giá được thế nào là đúng, thế nào là sai nếu quan điểm của một nhà văn vượt lên trên cả xu hướng thời đại?

Phản ứng trước góc nhìn này, có người im lặng, có người lên tiếng, nhưng cũng có không ít nhà văn gián tiếp phản bác bằng cách đưa chính chất liệu của cuộc đời mình vào văn chương như đòn trả đũa. Roberto Bolano, cố nhà văn nổi tiếng người Chile có 2 tác phẩm nằm trong danh sách 100 tác phẩm hay nhất thế kỷ 21, đã từng nói rằng khi "thấy nhà văn đặt bút viết 'tôi', người đọc nên tự hiểu rằng tất thảy đều là dối trá".

Thế nhưng ngày nay mọi chuyện đã khác. Ở khía cạnh nào đó, cả 3 nữ văn sĩ Elena Ferrante, Edna O'Brien và Alice Munro nhắc đến trong bài viết này đều dùng văn chương có tính tự truyện, hồi ký… để xây đắp nên di sản của mình. Họ viết để mà nhìn lại những giá trị cũ - những thứ một lúc nào đó khiến họ bị đánh giá là không được chuẩn mực và không phù hợp để cho ra mắt. Và cũng từ đó, họ phản ánh song song những biến chuyển sống động của bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội cũng như lịch sử của không - thời gian mà họ kinh qua, từ đó khiến cho tác phẩm trở nên phổ quát và rộng lớn hơn chỉ độc sở hữu tính chất cá nhân.

Điều đó nhìn thấy rất rõ ở Edna O'Brien - người vừa qua đời và được cả đất nước thương tiếc, khi nhiều năm qua, bà là nữ văn sĩ được kỳ vọng sẽ mang về giải Nobel Văn chương tiếp theo cho Ireland. Nhưng ít người biết trước khi chạm đến đỉnh cao ấy, bà từng bị cấm ngay tại quê hương đến tận 6 cuốn tiểu thuyết trong khi được giới phê bình quốc tế ca ngợi hết lời. Tất cả bắt đầu từ cuốn "The Country Girls" viết về 2 cô gái trẻ có lối sống hoang dại, tiệm cận bản năng… để thoát khỏi mọi lề lối kìm kẹp của cách giáo dục Công giáo truyền thống.

Trong tác phẩm này, những phiêu lưu dục tình, những khát khao thầm kín... đã được mổ xẻ, và cũng vì thế nó bị phản đối. Càng đặc biệt hơn khi nó có tính tự truyện của chính tác giả, dẫn đến không chỉ sự căm ghét tác phẩm mà còn là người viết nó, đến mức một vị mục sư đã đoạt lấy những ấn phẩm do các du khách mua và đốt luôn nó trong khuôn viên nhà thờ, còn mẹ Edna thì xé bỏ đi trang lót con gái đề tặng...

Ở thời điểm đó, chắc hẳn bà biết bản thân sẽ bị lên án, cấm cản và ngáng trở bên trong đất nước. Nhưng bà đã không dừng lại và cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, truyện ngắn, vở kịch… khác nhau. Edna cũng như các nhân vật của mình, là người tiên phong lên tiếng thách thức quan điểm đồng quy tác phẩm - tác giả.

Ở những năm cũ, có thể bà bị dập vùi vì dám thể hiện con người thật trong văn chương, nhưng cho đến cùng, sự ca ngợi nơi quê nhà và niềm tiếc thương của cả thế giới đã cho ta thấy giá trị vẫn là tất cả. Nhưng còn Munro thì sao? Người đã qua đời trước khi cáo buộc của con gái được đưa ra, rằng bà đã biết hành động lạm dụng của người chồng sau, đã có quyết định tránh xa người này một thời gian ngắn… nhưng sau đó lại tiếp tục tái hợp, xem như không có chuyện gì?

Tiết lộ với báo giới, con gái Munro chia sẻ mẹ mình từng nói cô không nên trách bà vì yêu người đàn ông ấy, mà thay vào đó là hãy chất vấn nền văn hóa luôn coi phụ nữ phải hy sinh vì người khác dẫu đó là chồng hay là con họ. Trường hợp của bà thoạt nhìn rất dễ phân định theo chủ quan cá nhân, nhưng như tiết lộ của Margaret Atwood - tiểu thuyết gia nổi tiếng người Canada khác - rằng Munro không phải người giỏi xử lý việc khủng hoảng và thực tế là thế hệ của cả hai người luôn có xu hướng "khóa kín" những chuyện xấu này.

Cũng vì lẽ đó mà ta lại càng phải cẩn trọng hơn khi đánh giá tác phẩm của người nào đó dựa trên cuộc đời của họ, bởi không thể biết liệu thời thế nào đã "làm" nên họ, liệu nó mang tính tiên phong như Edna O'Brien hay truyền thống như Alice Munro? Lẽ dĩ nhiên là làm sao trách người đã chịu ảnh hưởng một cách gián tiếp, cũng như Munro khi bà nói rằng con gái nên trách những quan niệm cũ định hình nên bà, thay vì chính bà như một cá thể hoàn toàn tự quyết.

Nếu hỏi sau sự việc này, cách trải nghiệm văn chương của Munro có khác đi không, thì câu trả lời hẳn nhiên là có. Nhưng để hỏi nó có khả năng hủy diệt di sản của bà với những truyện ngắn được viết bằng nghệ thuật bậc thầy và đặt trọng tâm vào người phụ nữ phức tạp, nhạy cảm hay không, thì "kịch bản" ấy hẳn là rất khó. Tai tiếng có khả năng làm hoen ố tác phẩm nhưng chính tài năng sẽ giữ cho nó còn sống mãi, vì nói chung, khi ấy, tác phẩm như đang trải qua thêm một thử thách ngoài sự lãng quên bất khả chống cự.

Nếu vượt qua được những "ngưỡng cửa" này, thì có nghĩa nó vẫn có giá trị và là vĩnh hằng, không màng ai đã viết nó. Không phải không có lý do mà những cuốn sách thường đánh số trang, vì nó giới hạn và là lát cắt của chỉ một thời trong khi nhận thức liên tục biến đổi. Và vì biết đâu bởi ý thức được tính hư cấu mà nó lại là tiếng nói tự do và hào phóng nhất dẫu khi nhà văn phải chịu bó buộc? Cho đến cuối cùng, việc đọc chỉ là đọc thôi!

Đoàn Tuấn Anh

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/den-khong-hat-bong-khi-tac-pham-chi-la-tac-pham-i740702/
Zalo