Đền Hùng - Cội nguồn linh thiêng dân tộc Việt Nam
Những ngày này, trên các ngả đường về đất Tổ, hàng triệu bước chân của 'con Lạc, cháu Hồng' lại nô nức tìm về Đền Hùng, thành kính một niềm tin thiêng liêng trở về cội nguồn dân tộc. Câu ca 'Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba' lưu truyền từ bao đời chính là lời nhắc nhở mọi người con đất Việt, dù ở đâu đều luôn ghi nhớ để báo đáp công ơn tổ tiên nguồn cội, nhớ lại lịch sử dựng nước và giữ nước đầy hào hùng của dân tộc ta.
Vùng đất linh thiêng Phú Thọ những ngày tháng Ba, dòng người hành hương về cội nguồn rực rỡ sắc màu. Mọi người ai ai cũng náo nức, hân hoan khi được trở về cội nguồn với bao cảm xúc thiêng liêng khó tả.
Linh thiêng và tự hào
Em Nguyễn Ngọc Hà, học sinh lớp 8A6, Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Đến thăm Đền Hùng với khung cảnh cổ kính, thiêng liêng khiến em bồi hồi, xúc động và tự hào, ngưỡng mộ trước công lao to lớn của các vị vua Hùng. Ấn tượng nhất trong em là hình ảnh Bác Hồ trò chuyện với chiến sĩ thuộc “Đại đoàn Quân tiên phong” và ân cần căn dặn các chiến sĩ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói của Bác gợi nhắc cho em lòng trân trọng và biết ơn các vua Hùng; ý thức được trách nhiệm phải học tập tốt, lao động tốt để góp phần dựng xây quê hương, đất nước mai sau. Còn chị Dương Thị Thu Lê, nhân viên kế toán ở Hà Nội bày tỏ: Đứng trước bàn thờ tổ tiên, lòng tôi trào dâng niềm xúc động và kính trọng, nhắc nhở bản thân về cội nguồn và trách nhiệm tiếp nối truyền thống tốt đẹp của ông cha.

Em Nguyễn Ngọc Hà, học sinh lớp 8A6, Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, đến thăm Đền Hùng với khung cảnh cổ kính, thiêng liêng khiến em bồi hồi, xúc động và tự hào, ngưỡng mộ trước công lao to lớn của các vị vua Hùng

Chị Dương Thị Thu Lê, nhân viên kế toán ở Hà Nội chia sẻ: Đến thăm Đền Hùng, tôi cảm thấy tự hào về đất nước, dân tộc mình nhiều hơn và ý thức rõ hơn trách nhiệm giữ gìn truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
Đền Hùng là một hệ thống kiến trúc thờ các vua Hùng, vừa là thắng cảnh vừa là di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt đối với người dân Việt Nam. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng sự đóng góp của các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước, Đền Hùng được xây dựng, tôn tạo, tu bổ nhiều hạng mục khang trang, to đẹp, xứng tầm di tích đặc biệt quốc gia.

Ông Hoàng Văn Giáo,cựu chiến binh ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang bày tỏ: Với tôi, Đền Hùng là nơi thiêng liêng mà mỗi người dân Việt Nam có cơ hội hãy đến một lần để hiểu hơn về cội nguồn văn hóa và nhân lên lòng tự hào dân tộc
Ông Hoàng Văn Giáo, cựu chiến binh ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tự hào: Về thăm Đền Hùng, tôi không chỉ hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và cách thờ tự ở đền mà còn được tham gia lễ hội Đền Hùng đậm đà bản sắc dân tộc, biểu tượng của tinh thần, sức mạnh đất nước Việt Nam. Với tôi, Đền Hùng là nơi thiêng liêng mà mỗi người dân Việt Nam có cơ hội hãy đến một lần để hiểu hơn về cội nguồn văn hóa và nhân lên lòng tự hào dân tộc.
Hơn 20 hoạt động diễn ra tại lễ giỗ Tổ Hùng Vương
Anh Nguyễn Tiến Bình, Phó trưởng Phòng Quản lý di tích, văn hóa, lễ hội, Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hóa - du lịch đất Tổ 2025 diễn ra từ ngày 29-3 đến 7-4 (tức từ mồng 1 đến 10-3 năm Ất Tỵ) tại thành phố Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các địa phương.

Trung tâm lễ hội Đền Hùng
Ngoài phần lễ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, thành kính, giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hóa - du lịch đất Tổ 2025 được tổ chức với 22 hoạt động đặc sắc, mang hào khí của thời đại Hùng Vương và được kế thừa, tiếp nối trong xã hội đương đại để phục vụ nhân dân và du khách như: Tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống; biểu diễn văn hóa, văn nghệ về đêm; chương trình âm nhạc đường phố "Việt Trì Livemusic"; biểu diễn hát xoan của các câu lạc bộ hát xoan và dân ca biểu diễn văn nghệ quần chúng; giao lưu các nhóm nhảy thanh niên, ban nhạc của các câu lạc bộ guitar, giao lưu các câu lạc bộ dân vũ, khiêu vũ; trình diễn múa lân - sư - rồng; Festival tinh hoa võ thuật hướng về cội nguồn; biểu diễn múa rối nước…


Đoàn công tác Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước chụp ảnh lưu niệm tại Đền Hùng



Dòng người khắp nơi trong cả nước về thắp hương tưởng nhớ các vua Hùng
Giỗ Tổ Hùng Vương từ rất lâu đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc, in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của riêng Phú Thọ mà còn là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người dân đất Việt.