Đèn giao thông hỏng, tài xế có bị phạt nguội?
Việc phạt nguội khi đèn giao thông hỏng còn tùy từng trường hợp cụ thể, nếu đèn dừng lại ở đèn đỏ, lái xe cố tình vượt, camera giao thông ghi lại thì vẫn phạt.
Cụ thể, theo điểm a Khoản 5, điểm b, c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000- 6.000.000 đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng; từ 2- 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
Theo điểm e, khoản 4, điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng.
Theo khoản 10.1 Điều 10 QCVN 41:2019/BGTVT thì đèn tín hiệu chính điều khiển giao thông được áp dụng ba loại màu tín hiệu: xanh, vàng và đỏ; chủ yếu có dạng hình tròn, lắp theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang. Theo đó:
Thứ tự tín hiệu lắp theo chiều thẳng đứng: đèn đỏ ở trên, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở dưới.
Thứ tự tín hiệu lắp đặt theo chiều ngang: đèn đỏ ở phía bên trái, đèn vàng ở giữa và đèn xanh ở phía bên phải theo chiều lưu thông.
Ý nghĩa của đèn tín hiệu giao thông theo khoản 10.3 Điều 10 QCVN 41:2019/BGTVT như sau:
Tín hiệu xanh: cho phép đi.
Tín hiệu vàng báo hiệu thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp.
Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Tín hiệu đỏ: báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Trường hợp không có vạch dừng, thì vị trí đặt đèn tín hiệu gần nhất theo chiều đi coi như là vạch dừng.
Tại một thời điểm, trên cùng một bộ đèn tín hiệu chỉ được sáng một trong ba màu: xanh, vàng hoặc đỏ.
Theo Điều 12 QCVN 41:2019/BGTVT thì ở nơi đường giao nhau vừa có đèn tín hiệu vừa có biển báo hiệu và vạch sơn thì lái xe phải tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Trong trường hợp không sử dụng đèn tín hiệu để điều khiển giao thông theo từng làn đường riêng thì tín hiệu đèn có tác dụng cho toàn bộ phần đường xe chạy theo hướng xe đến. Trong trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định.
Như vậy, dù đèn giao thông bị hỏng, không hoạt động mà không có cán bộ hướng dẫn như công an, cảnh sát giao thông, lực lượng dân phòng hỗ trợ…trong trường hợp đèn xanh vẫn bật, chiều đèn xanh vẫn được đi lại bình thường.
Còn chiều đèn đỏ vẫn phải dừng lại theo quy định, trường hợp khu vực đó có lắp camera phạt nguội, nếu đèn đỏ vẫn bật, lái xe vẫn vượt sẽ vẫn bị phạt nguội bình thường.