Đến cuối năm 2025, tất cả cán bộ, công chức cấp xã, huyện, tỉnh phải xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số
Chiều 6-2, chủ trì Phiên họp lần thứ 10 trực tuyến toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban yêu cầu, đến tháng 6-2025, tất cả lãnh đạo bộ, ngành và lãnh đạo UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số; đến cuối năm 2025, tất cả cán bộ, công chức cấp xã, huyện, tỉnh phải xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi số đạt nhiều bước tiến lớn, quan trọng, nổi bật.
Trong đó, cả nước đã đơn giản hóa 898/1.084 thủ tục hành chính; 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9%; doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đạt 18 tỷ USD, tăng 38,5%; nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Marvell, NVIDIA, SK Hynix... đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ; các dữ liệu được xây dựng, tích hợp; hạ tầng số được đầu tư; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh; dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện...
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Nêu một số hạn chế, tồn tại, trong đó 39/276 nhiệm vụ của Đề án 06 và 19/63 nhiệm vụ theo Kế hoạch của Ủy ban chưa hoàn thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ công tác chuyển đổi số vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là vai trò người đứng đầu; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu; sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong xử lý vướng mắc, bất cập có tính chất liên ngành...
Nhấn mạnh công tác chuyển đổi số phải bám sát Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuyển đổi số phải gắn chặt với cải cách tổ chức bộ máy; chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình, phù hợp với xu thế và đáp ứng nhu cầu của nhân dân; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo đảm nguồn lực cho chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển kinh tế số, hạ tầng số và nền tảng số quốc gia, trong đó xây dựng Đề án ứng dụng Internet vạn vật trong một số ngành, lĩnh vực như sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh… và Đề án chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, gắn với xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai thu thuế hộ gia đình; thúc đẩy việc thương mại điện tử thanh toán, chi trả không dùng tiền mặt; đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động trong năm 2025; đẩy mạnh phát triển hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh; cáp quang băng thông rộng tốc độ cao…
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương thực hiện nghi thức kích hoạt hệ thống điều phối dữ liệu ngành y tế (Gmedical).