Bảo vệ tài nguyên nước, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa kéo theo nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, cùng với đó biến đổi khí hậu diễn biến khó lường khiến nguồn tài nguyên nước đang bị đe dọa. Trong bối cảnh đó, Bình Dương đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước bền vững, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng thích ứng.
Công ty TNHH DS Vina (Khu công nghiệp KSB) đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại giúp giảm lượng nước cấp, giảm phí bảo vệ môi trường
Sử dụng hiệu quả
Trên địa bàn tỉnh có 4 sông lớn gồm sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính chảy qua, cùng với đó là 7 hồ chứa nước lớn nhỏ. Các hồ chứa nước này không chỉ cung cấp nước cho tưới tiêu, sinh hoạt mà còn có vai trò quan trọng trong việc phòng chống lũ lụt. Đối với tài nguyên nước dưới đất, trên địa bàn tỉnh có7 tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích và 1 khe nứt.
Xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên được biết đến là địa phương có diện tích đất trồng cây ăn trái có múi lớn nhất tỉnh, với diện tích hơn 1.400 ha. Theo lãnh đạo xã Hiếu Liêm, xã có diện tích đất rộng, dân thưa nên có điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp, lại nằm cạnh sông Bé và sông Đồng Nai, nguồn nước bảo đảm tưới tiêu, thổ nhưỡng vùng đất này phù hợp để phát triển cây ăn trái có múi. Đến nay, hầu hết các trang trại, gia đình trồng cây ăn trái trên địa bàn xã đã đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động tận dụng nguồn nước từ sông Bé và sông Đồng Nai để chăm sóc vườn cây.
Điển hình như trang trại của ông Lâm Thành Thương (tổ 4, ấp Chánh Hưng) trồng giống quýt hồng Lai Vung (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Nhờ nguồn nước dồi dào, đất đai phù hợp và kinh nghiệm của người nông dân đã mang lại “trái ngọt” cho gia đình ông. Với diện tích 15 ha trồng quýt hồng Lai Vung, trung bình mỗi vụ gia đình ông thu hoạch 30-40 tấn, riêng vụ tết thu hoạch lên tới 100 tấn, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nước còn đóng vai trò thiết yếu trong các ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, dệt nhuộm, sản xuất giấy, nhựa… cũng như quá trình làm mát, vệ sinh tại các nhà máy. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng một lượng lớn nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất và bảo trì. Chính vì thế, việc quản lý và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả tại các khu công nghiệp vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo đảm sự bền vững của nguồn tài nguyên này.
Bảo vệ nguồn nước bền vững
Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết Bình Dương là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước, bao gồm việc điều tra, thống kê và trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng để bảo vệ nguồn nước dưới đất. Bình Dương cũng đã ban hành các quy định về vùng cấm, vùng hạn chế và vùng đăng ký khai thác nước dưới đất nhằm quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên nước ngầm, hạn chế tình trạng cạn kiệt nguồn nước này. Các biện pháp này góp phần bảo vệ và duy trì nguồn nước dưới đất, hạn chế tình trạng ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước trong khu vực.
Trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là những nhà máy sử dụng lượng nước lớn, Bình Dương khuyến khích áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, trong đó có chương trình kiểm soát lượng nước cung cấp tại nguồn trong suốt quá trình sản xuất. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn nước sạch, giảm thiểu chi phí mà còn giảm thiểu nước thải gây ô nhiễm. Các nhà máy cũng được khuyến khích xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A và tái sử dụng lượng nước này vào các khâu dịch vụ khác, từ đó giảm bớt lượng nước cấp, giảm phí bảo vệ môi trường và hạn chế ô nhiễm nguồn nước.
Đại diện Công ty TNHH DS Vina (Khu công nghiệp KSB, huyện Bắc Tân Uyên), cho hay công ty hoạt động trên lĩnh vực dệt và nhuộm. Trong quá trình hoạt động, công ty luôn bảo đảm kiểm soát thông số của nước. Bên cạnh đó, khi đầu tư vào đây công ty được Ban Quản lý Khu công nghiệp KSB tư vấn xây dựng hồ sự cố lưu trữ nước nhằm bảo đảm xử lý nước khi có sự cố xảy ra.
Trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp xanh là một phần quan trọng trong mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước của tỉnh. Ông Lâm Thành Thương cho biết trang trại của ông áp dụng các phương pháp tưới phun và tưới tự động dạng giọt, giúp tiết kiệm tối đa lượng nước sử dụng và nâng cao hiệu quả tưới cho cây trồng. Giải pháp này không chỉ bảo vệ nguồn nước mà còn giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, với những nỗ lực không ngừng trong công tác bảo vệ tài nguyên nước, Bình Dương đang từng bước phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo đảm nguồn nước luôn được bảo vệ và sử dụng hiệu quả cho các thế hệ mai sau.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng lượng tài nguyên nước trong các kỳ quy hoạch toàn tỉnh là 28 tỷ 424,45 triệu m3/năm. Để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này, quy hoạch đã đề ra phương án cụ thể, tập trung vào các mục tiêu: Bảo vệ nguồn nước mặt, nước dưới đất, bảo vệ chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, nguồn sinh thủy, các nguồn nước có chức năng điều hòa (hồ, sông, kênh, rạch…), các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa nhằm từng bước bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; từng bước phục hồi nguồn nước bị suy thoát, cạn kiệt, ô nhiễm trên địa bàn tỉnh.
TIẾN HẠNH