'Đèn âm hồn' - hình ảnh ổn, nội dung thảm họa

Những tưởng sẽ là món ăn 'giải ngấy' sau mùa Tết ngập tràn phim hài, tình cảm, 'Đèn âm hồn' của Hoàng Nam lại gây thất vọng vì kịch bản non nớt, diễn xuất gượng gạo.

Genre: Kinh dị tâm linh
Director: Hoàng Nam
Cast: Diễm Trang, Hoàng Kim Ngọc, Phú Thịnh, Tuấn Mõ...
Rating: 4/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Tại một ngôi làng Bắc Bộ, giữa thời điểm loạn lạc, chiến tranh.

Đêm khuya thanh vắng bỗng náo động bởi tiếng đoàn người hò nhau kéo một chiếc rọ, tiến về phía mé sông. Một toán trai tráng tay cầm đuốc đỏ, mặt mũi hùng hổ, vẻ giận dữ toát lên nơi đáy mắt. Phía trong chiếc rọ là một người phụ nữ trẻ bị bịt miệng, chân tay cũng trói chặt. Người ta kết tội người này chửa hoang trong lúc chồng vắng nhà, nên theo lệ làng phải chịu phạt thả trôi sông.

Có một cô đồng cố gắng đứng ra bảo vệ, minh oan cho cô gái trẻ. Song dân làng nào chịu lắng nghe những lời phân bua yếu ớt. Họ lạnh lùng quăng chiếc rọ cùng người phụ nữ khốn khổ xuống dòng nước lạnh giá.

Và cũng từ đây, những rắc rối oan nghiệt của Đèn âm hồn bắt đầu mở ra.

Tiền đề tốt nhưng khai triển vụng về

Đèn âm hồn lấy bối cảnh chính tại ngôi làng Bắc Bộ, giữa thời điểm đất nước đang có chiến tranh. Trai tráng trong làng đã xung trận, hầu như chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ em ở lại. Thương (Diễm Trang) một tay chăm sóc mẹ chồng và con thơ. Sau khi người mẹ qua đời, cô ở cùng con trai tên Lĩnh, lúc này đã khoảng 4, 5 tuổi.

Thấy con tủi thân, Thương chỉ vào chiếc bóng của mình trên vách nhà, nói đó là cha của đứa bé. Cho đến ngày kia, Lĩnh mang về một chiếc đèn kỳ lạ. Kể từ đây, những chuyện rùng rợn cứ lần lượt xảy ra với hai mẹ con và cả dân làng.

Câu chuyện Đèn âm hồn lấy cảm hứng từ Chuyện người con gái Nam Xương, thuộc tuyển tập Truyền kỳ mạn lục của danh sĩ Nguyễn Dữ - tác phẩm đặc sắc trong kho tàng văn học Việt Nam giai đoạn trung - cận đại.

Trong bộ phim của Hoàng Nam, tên của dàn nhân vật đã được thay đổi, lại thêm thắt những chất liệu kinh dị, tâm linh mới xoay quanh phận đời người phụ nữ đáng thương. Bi kịch xuất phát từ chiếc đèn âm hồn, thứ được miêu tả là dụng cụ cổ xưa của thầy pháp, giúp triệu hồi linh hồn từ âm thế về dương gian, nói cho người sử dụng nghe nhiều bí mật.

Thế nhưng, nó cũng để lại không ít hậu họa. Việc cậu bé Lĩnh nói chuyện với chiếc bóng vô tình gọi về một ác linh đầy giận dữ, muốn quay lại dương thế báo thù. Câu chuyện trở nên kịch tính hơn với sự xuất hiện của cô đồng Liễu (Hoàng Kim Ngọc) và em trai Hường (Tuấn Mõ). Thấy sự chẳng lành, họ tìm cách giúp dân làng chống lại thế lực ma quỷ.

 Đèn âm hồn bộc lộ nhiều hạn chế trong kịch bản.

Đèn âm hồn bộc lộ nhiều hạn chế trong kịch bản.

Với chất liệu tốt, phim khởi đầu thuận lợi khi thành công đánh thức sự tò mò của người xem về những sự kiện bí ẩn đang diễn ra ở ngôi làng. Song, việc hé lộ đầu não của mọi rắc rối quá vội vàng khiến câu chuyện tâm linh đánh mất sức bí ẩn cần có. Hành trình điều tra cũng như đối phó với thế lực tà ma tỏ ra nhạt nhòa, thiếu những phát hiện đặc biệt khiến khán giả ấn tượng.

Đèn âm hồn dần luẩn quẩn trong những tuyến truyện bị xé lẻ, từ việc khám phá bí mật cây đèn của chị em cô đồng Liễu, ác mộng gieo rắc lên ngôi nhà của mẹ con Thương, cho tới những bi kịch khi người chồng trở về, vì hiểu lầm lời con mà nghi ngờ vợ phản bội...

Những mảnh ghép bị kết nối gượng gạo, trong khi tiết tấu phim hỗn loạn, không đẩy được cao trào. Câu chuyện dễ đoán bị dẫn dắt bởi lời thoại, ngày càng lê thê dù những nút thắt hoàn toàn có thể dễ dàng cởi bỏ. Hệ quả, Đèn âm hồn khép lại vụng về, không xử lý nổi mớ rắc rối ngồn ngộn đã bày ra ở hồi đầu và giữa phim.

Nội dung nhiều sạn, diễn xuất non nớt

Hoàng Nam “trót đa mang phải đèo bòng” khi ồm đồm tình tiết, khiến chuyện phim rối rắm. Anh thực chất có ý tưởng, từ việc phát triển màu sắc tâm linh xoay quanh hình tượng chiếc đèn và cái bóng trên tường, cho tới hành trình điều tra bí mật có kết nối với bi kịch tưởng như bị chôn vùi trong quá khứ...

Song, đạo diễn lại loay hoay trong việc biến những nguyên liệu này thành món ăn hoàn chỉnh, hấp dẫn trước mắt người xem. Vì kịch bản không chắc tay, những hạt sạn lộ liễu của phim khiến họ bật cười thay vì bị dọa sợ - điểm yếu chí tử của một dự án kinh dị tâm linh.

Thực chất, vấn đề lớn nhất của Đèn âm hồn nằm ở việc xây dựng, phát triển nhân vật, vốn là “xương sống” của một tác phẩm điện ảnh. Phim sở hữu số lượng tuyến nhân vật đông đảo, song vai diễn nào cũng có hành trình khiên cưỡng, kém thuyết phục.

 Phát triển nhân vật vụng về khiến chuyện phim trở nên kém thuyết phục.

Phát triển nhân vật vụng về khiến chuyện phim trở nên kém thuyết phục.

Nữ chính Thương được phác họa hời hợt, từ cuộc sống thường ngày, tính cách cho tới hành trình đấu tranh tâm lý trước những ngã rẽ, biến cố. Sự tảo tần, chịu thương chịu khó của cô gái một thân nuôi mẹ chồng và con thơ hoàn toàn chưa được tái hiện. Người xem chỉ biết cô bán rau qua cuộc hội thoại giữa Liễu và người đàn bà ở chợ, diễn ra chớp nhoáng.

Cảnh sinh hoạt hàng ngày của Thương lại càng mờ nhạt, khi nhân vật chỉ quanh quẩn nằm ngủ và mơ thấy ác mộng. Cũng chẳng có biểu hiện thuyết phục nào thể hiện cô thực sự thương nhớ, ngóng trông chồng sau thời gian dài không gặp, chẳng rõ sống chết. Tới khi nửa kia trở về, mâu thuẫn trong nhân vật càng lộ rõ. Thương miệng nói nhớ chồng, nhưng thái độ lại dửng dưng, đối với anh như hai người xa lạ.

Cũng vì vậy, những mâu thuẫn khi cả hai hiểu lầm khiến bi kịch xảy ra gượng ép, khó thuyết phục người xem. Diễm Trang non nớt trong cách thể hiện biến chuyển tâm lý của một người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, oan trái. Biểu cảm của nữ diễn viên trẻ khô cứng, không tạo được chemistry với bạn diễn, khiến cặp nhân vật vợ chồng Thương như hai người xa lạ mới gặp mặt lần đầu.

Ngay cả kết nối tình cảm giữa Thương và con trai cũng rất sống sượng. Sự quan tâm, săn sóc của một người mẹ với đứa con máu mủ, cũng là chỗ dựa tinh thần duy nhất vô cùng hời hợt. Hàng loạt sự kiện kỳ lạ xảy ra nhưng Thương thờ ơ trước an nguy của con, không hề có chút động thái chủ động bảo vệ đứa trẻ. Để rồi khi biến cố ập đến, nhân vật mới hớt hải đi tìm và than khóc “Hãy về với mẹ đi con” một cách vô nghĩa.

Chẳng riêng Thương, vai người chồng tên Định (Phú Thịnh) cũng hiện lên gượng gạo qua ngòi bút biên kịch. Cảm xúc nhân vật thay đổi chóng mặt, hoàn toàn mang tính sắp đặt, đơn cử như việc phút trước thẳng tay tát vợ trong cơn ghen tức nhưng ngay sau đó đã hối hận, tiếc thương.

Đường dây tâm lý cũng rất thất thường, vừa gục đầu khóc lóc đau khổ rồi lại có thể lập tức vui vẻ. Hành động của nhân vật lại càng khó hiểu, đỉnh điểm ở việc ôm con... nhảy xuống sông để tìm vợ.

 Vai nữ phụ của Hoàng Kim Ngọc dù cách phát triển còn hạn chế nhưng là nhân vật hiếm hoi tạo được thiện cảm.

Vai nữ phụ của Hoàng Kim Ngọc dù cách phát triển còn hạn chế nhưng là nhân vật hiếm hoi tạo được thiện cảm.

Đèn âm hồn cũng thất bại trong việc thúc đẩy nỗi sợ và sự bất an - yếu tố quan trọng làm nên thành công của một tác phẩm thuộc dòng kinh dị. Phim không duy trì được bầu không khí u ám, lại bị pha loãng bởi những mảng miếng hài được cài cắm vô tội vạ. Những cảnh hù dọa dễ đoán, trong khi dàn diễn viên tái hiện nỗi sợ bằng cách trợn tròn mắt, miệng thở hổn hển hay la hét ầm ĩ, lặp đi lặp lại.

Cảnh làm lễ trừ tà dễ gợi nhớ Exhuma, trong khi chi tiết hồn lìa khỏi xác để du hành tới thế giới khác, kết nối với linh hồn người đã khuất không khỏi làm khán giả liên tưởng tới Insidious... Thực tế, cách dàn dựng chưa đủ khéo léo khiến những chất liệu tâm linh bị lãng phí một cách đáng tiếc. Điểm sáng hiếm hoi của Đèn âm hồn nằm ở phần bối cảnh, phục trang có đầu tư. Tác phẩm cũng mang đến một số thước quay ngoại cảnh đẹp, hay những góc máy ít nhiều tạo ấn tượng thị giác.

Ở lần đầu cầm trịch một dự án điện ảnh, thứ Hoàng Nam có trong tay là tham vọng, cùng ý tưởng không tệ. Song để ghi dấu ấn, anh cần phục vụ món ăn được chế biến với công thức chắc tay, thay vì cố gắng trang trí vẻ ngoài bóng bẩy nhưng hương vị nhạt thếch.

Hoàng Nhi

Nguồn Znews: https://znews.vn/den-am-hon-hinh-anh-on-noi-dung-tham-hoa-post1530217.html
Zalo