Đêm nhạc Văn Cao - Đàn chim Việt đang bay...
Đêm nhạc Đàn chim Việt đã lôi cuốn thật đông người đến thưởng thức, có mặt từ 7 giờ tối, đến gần 10 giờ đêm, hoặc ngồi trong khán phòng hoặc đứng ngoài quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ai cũng muốn thêm một lần được lắng nghe giai điệu Văn Cao, và tưởng nhớ về ông...
MỘT
Thời tiết Hà Nội chiều tối ngày 20.8 như chiều lòng người. Buổi sáng gió về, mưa rào tầm tã, không dấu hiệu ngưng. Buổi chiều, ngớt mưa, rồi tạnh ngắt. Buổi tối bỗng mát mẻ, mùa thu phả làn hơi lạnh dịu, theo gió lan nhẹ khắp phố phường. Mấy câu thơ thu Hà Nội của Văn Cao bỗng đậu nhẹ xuống tâm thức tôi: “trên thềm ngày lăn tăn rơi/ Lá me vàng/ Những bóng người loang trên Hồ Gươm/ Mỗi góc phố/ Mỗi góc đường/ Mỗi góc nhà/ Giấu một cái bóng/ cổ kính” …“để người ta mãi nhớ/ phố phường Hà Nội lúc vào thu” (Bài Mùa thu, 11.1968)…
Năm nay, Quý Mão, 2023, nếu còn sống, Văn Cao đã tròn tuổi 100. Song, ông đã mất, vào tuổi 72. Chỉ sống tròn 6 con giáp, ông để cho đời một thế giới nghệ thuật do ông miệt mài, hân hoan kiến tạo.
Thế giới ấy mang tên Văn Cao.
Nhạc sĩ Văn Cao trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM năm 1993. Ảnh: Dương Minh Long
Thế giới ông để lại là một khu vườn rộng rinh, đầy tràn sự phong nhiêu hoa trái cỏ cây của các thể loại nghệ thuật đã ngẫu hứng chiếm đoạt tâm hồn ông, làm hồn ông trở gió, dâng đầy cảm hứng: thơ ca nhạc họa, manh mẽ nhất là cảm hứng âm nhạc. Số phận lịch sử của dân tộc Việt Nam như đã đặt chính ông viết Tiến quân ca, trở thành Quốc ca Việt Nam, và những ca khúc lãng mạn hào hùng, rưng rưng tình yêu đất nước, giống nòi, xuyên suốt cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đầy bi tráng của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ thế, số phận lịch sử còn đặt ông viết ca khúc về nỗi niềm dân tộc, về tình yêu đôi lứa, về cõi lòng thiết tha thầm kín, vừa yêu dấu vừa xót thương đời của riêng ông. Và tất cả thế giới sáng tạo nghệ thuật ấy của ông, đã chạm tới tình tự dân tộc. Cho đến ca khúc cuối cùng của ông, Mùa xuân đầu tiên, viết năm 1976, đã như một nốt nhạc rơi trầm, hân hoan nỗi mừng vui thiết tha, thẳm sâu tình tự dân tộc, ngay sau ngày đất nước Việt Nam, được hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vào 30.4.1975.
HAI
Đêm nhạc Đàn chim Việt, 20.8.2023 ở Nhà Hát Lớn Hà Nội
Đây là đêm nhạc được rất đông đảo người Hà Nội và không chỉ người Hà Nội, mà người xem của mọi miền đất nước, đã yêu mến, kính trọng, lưu giữ những tình cảm không bao giờ nhạt phai, với nhạc sĩ Văn Cao – hồi hộp mong chờ và hy vọng. Lại chính là sự kiện văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm 100 năm tuổi Văn Cao, nên các nhà tổ chức đêm nhạc đã sáng kiến nới rộng không gian biểu diễn từ bên trong khán phòng lộng lẫy của Nhà hát Lớn Hà Nội, tỏa ra quảng trường rộng, trước Nhà hát Lớn, nơi Tiến quân ca - Quốc ca của Văn Cao đã hùng tráng vang lên lần đầu ở chính quảng trường lịch sử này, cũng là nơi Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, ngày 2.9.1945.
Vài trăm diễn viên không chuyên, từ các lực lượng vũ trang ở Thủ đô đã được nhà tổ chức huy động vào vai bộ đội cụ Hồ, hành quân từ trong ra ngoài nhà hát Lớn. Các cô gái thôn quê áo cánh nâu gánh lúa theo dọc lối đi giữa các hàng ghế khán phòng. Âm thanh ánh sáng của các phương tiện sân khấu hiện đại đã làm náo động, bung nở các hình sắc muôn màu trong khán phòng, diễn đạt quang cảnh mây trời, hoa lá cỏ cây chiếu loang loáng khắp vòm trần nhà hát Lớn. Trên phông hậu sân khấu, hiện lên hình ảnh nhạc sĩ Văn Cao chơi đàn dương cầm, đọc thơ, chuyện trò thân mật với bạn bè, vợ con... trong căn gác nhỏ của ngôi nhà 108 Yết Kiêu, Hà Nội.
Ca khúc Đàn chim Việt với sự thể hiện của Tùng Dương, Đào Tố Loan, Khánh Ngọc, Trang Bùi, Sèn Hoàng Mỹ Lam. Ảnh: TTXVN
Và cốt lõi chương trình biểu diễn đêm nhạc Văn Cao mang tên Đàn chim Việt đã được bắt đầu với cặp MC nam nữ của Đài Truyền hình Việt Nam. (Sao tôi nghe dẫn chương trình mà vẫn ước ao, giá mà hai MC cùng nói giọng Hà Nội chuẩn về văn hóa phát âm - cần phải có - của chương trình truyền hình trực tiếp về nhạc sĩ tầm cỡ quốc gia, thì sẽ chuẩn chỉnh biết bao?)
Chương trình Đàn chim Việt mang một cái tên đẹp – tên một ca khúc đẹp trữ tình của Văn Cao, với thiết kế mỹ học về giai điệu hào hùng, bi tráng mà Văn Cao đã dùng gần hết cuộc đời mình để viết ca khúc, và cùng đồng hành xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các nhạc sĩ chỉ đạo và thực hiện chương trình: Đỗ Hồng Quân, Đức Trịnh, Vũ Đức Tân và Đỗ Bảo đã cùng thiết kế âm hưởng chủ đạo của chương trình là những ca khúc hùng tráng, tràn đầy tinh thần lãng mạn cách mạng và kháng chiến, được biểu diễn cùng các dàn nhạc lớn và dàn đồng ca đông đảo, tạo âm thanh nền vững chãi và đẹp đẽ cho các giọng ca lĩnh xướng.
Đó là Đàn chim Việt, với dàn nhạc và hợp xướng, làm nền cho năm giọng hát: Tùng Dương, Đào Tố Loan, Khánh Ngọc, Đỗ Tố Hoa, Trang Bùi. Cũng mang hình thức biểu diễn tương tự, từ phối khí của các nhạc sĩ Đỗ Bảo, Mai Kiên,Trọng Đài, Minh Đạo, Lưu Quang Minh, Đỗ Hồng Quân, Cao Đình Thắng, Đức Tân… là hợp xướng và dàn nhạc nền cho các giọng ca nam nữ hát chung (từ 3 đến 5 ca sĩ).
Đây là dòng ca khúc hoành tráng, bi hùng, chiếm vị thế chủ đạo về giai điệu của chương trình Đàn chim Việt, với những ca khúc nổi tiếng về giai điệu thôi thúc, gây xúc động đến ám ảnh lòng người dân Việt, mà trước hết là Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam, do chính cụ Hồ lựa chọn và quyết định số phận Quốc ca của ca khúc hào hùng này.
Liền một chuỗi sau đó, là những “giai điệu tự hào” được viết ra từ tâm hồn hào sảng của Văn Cao: Liên khúc Làng tôi và Ngày mùa, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Liên khúc Chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam, và Bài ca chiến sĩ Hải quân, Tiến quân ca, và cuối cùng là Bến xuân - Đàn chim Việt, khép lại chương trình mà Đàn chim Việt đã mở đầu, với sự góp mặt của tất cả các nghệ sĩ cùng tham gia hát từ đầu đến cuối chương trình.
Một kết thúc hoan ca hoành tráng, với rất nhiều cánh chim trắng biểu tượng “Đàn chim Việt” bay chấp chới vẫy vùng từ trên vòm trần Nhà hát Lớn, bay đến khoảng không ngoài quảng trường Nhà hát Lớn và vút bay lên bầu trời đêm hồng rực của trời Hà Nội vào thu.
Dòng ca khúc thứ hai đã được các nhạc sĩ, nhà tổ chức và đặc biệt là tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam, có lẽ mong muốn có một cấu trúc hài hòa, nhằm cân bằng giữa chất hùng tráng và trữ tình trong chương trình nhac Văn Cao đêm nay.
Dòng thứ hai này được thiết kế trên âm điệu trữ tình, du dương như một nốt nhạc rơi trầm, lắng sâu tiếng vọng của bè anto trong thế giới âm nhạc phong nhiêu, trầm ấm và cao vút giai điệu bi hùng, đầy hào sảng của Văn Cao. Đó là những bài hát đơn và hát đôi, vẫn trên nền hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng hoặc dàn nhạc điện tử: Cung đàn xưa, hát đôi Lan Anh và Vũ Thắng Lợi. Ca ngợi Hồ Chủ tịch, NSND Quang Thọ và NSND Quốc Hưng. Buồn tàn thu, Ánh Tuyết(*), Trần Thu Hà. Trường ca sông Lô, Đào Mác, Khánh Ngọc. Mùa xuân đầu tiên, Trần Thu Hà và tốp nữ…
Trường ca Sông Lô do nghệ sỹ Đào Mác - Khánh Ngọc thể hiện. Ảnh: Vietnamnet
Các bài hát đơn trên nhạc nền, vẫn là dàn nhạc và hợp xướng, đã được các giọng ca sáng giá của nền tân nhạc Việt thể hiện: NSƯT Thanh Lam hát Thiên thai, NSƯT Đăng Dương hát Bắc Sơn, nghệ sĩ Mỹ Linh hát Suối mơ, nghệ sĩ Tùng Dương hát Trương Chi… Tuy nhiên, đã có sự tiếc nuối những giọng hát này, dẫu sao vẫn hát chưa đạt tới độ kinh điển của các ca khúc vốn kinh điển về sự lãng mạn trong tình tự lặng thầm sâu kín của tâm hồn âm nhạc Văn Cao. Nhất là ca khúc Mùa xuân đầu tiên, khi được trình bày với Trần Thu Hà và tốp nữ, dù ngoài ý muốn, cách hát ấy, cách diễn ấy, đã mặc nhiên giã biệt một nỗi buồn âm nhạc trong sáng, một tình thương tươi ròng và ngấn lệ của Văn Cao cho mùa xuân hòa bình và thống nhất đầu tiên của người Việt.
Sau mấy mươi năm chờ đợi và đổ bao xương máu mới có được mùa xuân đầu tiên ấy, để được rưng rưng cầm lấy niềm vui hòa bình trong tay. Sau chiến tranh, được đón những người lính cụ Hồ của đoàn quân giải phóng trở về. Họ trở về với khát vọng sống cuộc đời bình yên, hạnh phúc như ao ước dằng dặc bấy lâu trong trận mạc và chinh chiến.
Nhân vật anh trong bài hát chính là những người lính trở về, nước mắt rơi ấm từng giọt trên đôi vai anh, trong niềm vui như được thắp sáng long lanh. Ca từ đẹp nõn, ngoan lành và dịu dàng trong vắt của mùa xuân đầu tiên trong nhịp đi hết sức khoan thai dặt dìu theo điệu valse, hoàn hảo và dặt dìu. Và mùa xuân đã theo én về, tự nhiên như mùa bình thường của nhịp đi bốn mùa giời đất Việt.
Mùa thiên niên vốn vận hành thảnh thơi và tự tại theo nhịp đi hải hà, “dập dìu mùa xuân theo én về”, vào ca khúc Văn Cao bỗng bất ngờ thăng hoa thành “mùa xuân đầu tiên”, và vụt lên thành mùa hạnh phúc. Bởi từ đây người biết yêu người/ thương người, và cũng từ đây người biết quê người… Ta có cảm giác Văn Cao viết ca từ đẫm đặc chất thơ, trong quấn quyện, quyến dính với các nốt nhạc vọng lên từ trái tim đa cảm của chính ông, trong hạnh phúc lâng lâng chất ngất của chủ thể sáng tạo.
Và hình ảnh người Mẹ Việt Nam hiện lên trong ca khúc thật thân thương hiền hậu: Người Mẹ nhìn đàn con nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh/ Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Quả thật, ca từ của Văn Cao trong Mùa xuân đầu tiên thật êm đềm thật lạ biệt về tu từ, thật ấm áp đến nao lòng về giai điệu, hoàn toàn không phải một hùng ca bi tráng, mà âm thầm ngọt lành và trong vắt như nước suối đầu nguồn. Năm nào đến dịp 30.4, Mùa xuân đầu tiên lại trở về tinh khôi và lặng thầm tình tự như tính cách âm nhạc đẹp êm đềm và sâu lắng của chính nhạc sĩ Văn Cao. Điều đó đã khiến Mùa xuân đầu tiên là một ca khúc còn xanh mãi với thời gian và mang dấu ấn sâu đậm nhất về tính cách âm nhạc đằm thắm và trữ tình của Văn Cao… Và chính tính cách âm nhạc độc đáo này đã đưa Văn Cao xuyên không gian văn hóa vùng miền, sau ngày 30.4 hòa bình và thống nhất, mà gặp gỡ Trịnh Công Sơn, mà kết thành một tình bạn âm nhạc vong niên đầy tình tri âm, tri kỷ.
Mùa xuân đầu tiên đã được hát ngân rung trứ tình trong các giọng nữ cao rất đẹp của các nghệ sĩ Ánh Tuyết, Thanh Thúy, và NSND Thanh Hoa… nhưng, thật tiếc, trong chương trình Đàn chim Việt, ca khúc này đã được biểu diễn không mấy thành công, cùng với ca khúc Thiên Thai.
BA
Âm nhạc Văn Cao - hồi ức không thể quên của người dân Việt.
Đêm nhạc Đàn chim Việt đã lôi cuốn thật đông người đến thưởng thức, có mặt từ 7 giờ tối, đến gần 10 giờ đêm, hoặc ngồi trong khán phòng hoặc đứng ngoài quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ai cũng muốn thêm một lần được lắng nghe giai điệu Văn Cao, và tưởng nhớ về ông.
Kết thúc đêm diễn, tôi ra khỏi Nhà hát Lớn, dù chưa thập phần ưng ý với cách tổ chức và biểu diễn chương trình này, và biết chắc sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đủ thấy, về căn bản, Đàn chim Việt đã là một sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn nhất về nhạc sĩ Văn Cao, nhìn từ phía người thưởng ngoạn, nhất là những người Hà Nội, không có được tấm vé vào xem chương trình này, trong khán phong Nhà hát Lớn.
Bởi thế, đông đảo người Hà Nội đã tụ tập ngoài quảng trường, để ngóng xem Đàn chim Việt ở sân khấu ngoài trời, được dựng châu tuần vào hai bên cửa chính của nhà hát Lớn, trong nhấp nhô sóng người mặc quân phục, đóng vai số đông bộ đội cụ Hồ.
Ra khỏi khán phòng, tôi không thể gọi được taxi, phải đi bộ ra đầu đường Hai Bà Trưng, cách Nhà hát Lớn khoảng 500m, may gặp được một lái xe Grab hai bánh, nhanh nhẹn đồng ý chở tôi về nhà. Tôi không ngờ anh chàng này đã chịu khó đứng hơn hai giờ đồng hồ bên ngoài khán phòng Nhà hát Lớn, giữa gió thu hây hẩy đầu thu Hà Nội, khi sung sướng vỗ tay tán thưởng, lúc đứng yên, trang trọng, bồi hồi hát quốc ca, lẩm nhẩm tự hào hát Sông Lô, và cả Mùa xuân đầu tiên nữa… của Văn Cao.
Quảng trường 19.8 rực rỡ cờ đỏ sao vàng, bài hát Tiến quân ca vang lên khiến nhiều người xúc động. Hình ảnh ý nghĩa khép lại đêm nhạc Đàn chim Việt. Ảnh: VOV
Tuổi chừng ba mươi, anh chàng Grab hồ hởi kể suốt dọc đường, những ấn tượng “đã mắt, đã tai” khi đứng nghe – nhìn Đàn chim Việt ở quảng trường, cùng mọi người nhiệt liệt vỗ tay reo hò khi hàng trăm cánh chim trắng sải cánh bay phấp phới trên bầu trời thu Hà Nội. Đẹp ghê là đẹp cô ạ, cháu đứng xem mà sướng lắm, quên cả mỏi chân. Thế mới biết khi đội bóng đá nam và đội bóng đá nữ của mình thi đấu ở nước ngoài, họ hát Quốc ca nghe cảm động thấu ruột, cô nhỉ. Cháu thật sướng khi thấy cờ đỏ sao vàng của nước mình bay thật hiên ngang…
Tôi nghĩ anh chàng chạy Grab này có lý, và thật có tình khi hồn nhiên xem chương trình Đàn chim Việt của Văn Cao, mà bất chấp/ hay chẳng hề để ý cả lời chê bai lẫn khen ngợi ồn ào trên Facebook của thiên hạ, hay của giới chuyên môn.
Có lẽ, đơn giản là ông già đại hiền Văn Cao đã tận tâm viết nhạc cho đàn chim Việt, đã ngoạn mục bay từ quá khứ đến hiện tại và đang bay về tương lai tươi sáng của dân tộc Việt. Trên đường phát triển, dân tộc Việt đang gắng gỏi giải quyết “bi kịch của sự phát triển” (nhận định của Đào Duy Anh, sách Việt Nam văn hóa sử cương), và đã kịp nhận thức rằng: chỉ có thể phát triển đất nước trong tình tự hòa hợp dân tộc mà Văn Cao đã ao ước mãnh liệt trong Mùa xuân đầu tiên: Từ nay người biết yêu người/ Từ nay người biết thương người/ Từ nay người biết quê người…
Đêm đầu thu ngõ Đại La – nhà Hà Nội.
PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái
_____________
(*) Ca sĩ Ánh Tuyết do gặp sự cố sức khỏe nên đến phút cuối đã không thể tham gia chương trình được.