Đem cây, thú lạ về nhà, coi chừng lĩnh án
Bên hồ Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) có một tấm bảng ghi thông tin về loài rùa Hoàn Kiếm với dòng cảnh báo: Mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt… có thể bị phạt đến 15 năm tù giam hoặc 15 tỷ đồng.
Tấm bảng được cơ quan chức năng dựng lên sau khi các nhà khoa học xác định ở trong hồ có ít nhất một cá thể rùa Hoàn Kiếm, còn gọi là giải mai mềm khổng lồ hay giải Thượng Hải, tên khoa học là Rafetus Swinhoei.

Tấm biển bên hồ Xuân Khanh.
Rùa Hoàn Kiếm (rùa Hồ Gươm) được xác định là loài động vật quý hiếm, trên thế giới chỉ còn 3 cá thể được xác định, một đang được nuôi dưỡng ở vườn thú Tô Châu (Trung Quốc), một ở hồ Đồng Mô và con còn lại ở hồ Xuân Khanh.
Năm 2008, trong đợt mưa lịch sử ở khu vực Hà Nội, một cá thể rùa mai mềm lớn từ hồ Đồng Mô đã theo dòng nước lũ thoát ra sông Tích và người dân địa phương bắt được. Khi ấy, các cán bộ bảo tồn rùa thuộc Dự án bảo tồn rùa Châu Á (ATP) và lực lượng kiểm lâm đã xuống hiện trường giải thích cho người dân, thu giữ con rùa và trả nó lại môi trường sống là hồ Đồng Mô.
Một số tấm bảng đã được dựng lên ở những điểm xác định có rùa Hoàn Kiếm, nhằm cảnh báo người dân không được làm hại rùa Hoàn Kiếm bởi điều đó đồng nghĩa với phạm pháp. Tuy nhiên, không chỉ rùa Hoàn Kiếm, nhiều loài động thực vật hoang dã đã được đưa vào danh sách bảo tồn, nhưng không phải ai cũng rõ. Đã có những trường hợp vô tình vi phạm.
Anh Nguyễn Văn Hiền, 35 tuổi, trú phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên trong một lần cùng gia đình vào khu vực dãy núi Tam Đảo dã ngoại đã nhặt được con rùa ven một dòng suối. “Tôi mang về thả vào bể cá, nuôi cho vui”, anh nói. Tuy nhiên, theo các quy định của pháp luật hiện hành, hành vi bắt rùa ngoài tự nhiên đem về nuôi của anh Hiền rất có thể đã vi phạm pháp luật, nếu con rùa thuộc danh mục các loài động vật quý hiếm cần bảo vệ.
Cuối tháng 12/2024, công an quận Cầu Giấy, Hà Nội khởi tố Nguyễn Việt Hoàng, 24 tuổi, trú thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Trước đó, công an phát hiện Hoàng đang vận chuyển một con rùa đi bán ở khu vực quận Cầu Giấy. Qua giám định, con vật là rùa hộp trán vàng thuộc nhóm rất quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam, là loại động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB, được quy định tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ, nghiêm cấm khai thác và sử dụng.
Về loại rùa, trong Phụ lục I của Nghị định 84/2021/NĐ-CP liệt kê những loài sau: Rùa hộp trán vàng miền Trung, rùa hộp ba vạch (rùa vàng), rùa hộp trán vàng miền Bắc, rùa hộp trán vàng miền Nam (rùa hộp Việt Nam), rùa Trung bộ, rùa đầu to, giải, giải Swinhoei (rùa Hoàn Kiếm).

Trong Phụ lục I của Nghị định 84/2021/NĐ-CP có nêu tên một số loài lan rừng cấm khai thác, thuộc dạng nguy cấp, quý, hiếm.
Theo bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), pháp luật Việt Nam không ngừng hoàn thiện, là căn cứ pháp lý quan trọng để xử lý tội phạm liên quan đến đa dạng sinh học. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết pháp luật là vấn đề đáng báo động. "Nuôi nhốt, săn bắn, mua bán trái phép động vật hoang dã...là hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều người cũng không nhận thức được hành động tưởng chừng vô hại của mình lại đang kích thích cho hoạt động săn bắt buôn bán động vật hoang dã trái phép. Và từ đó dẫn đến hủy hoại đa dạng sinh học của không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới", bà Hà nói.
Ngoại trừ những người cố tình, một số người vì thiếu hiểu biết, thiếu ý thức pháp luật mà vi phạm.
Cuối tháng 4/2024, TAND huyện Côn Đảo, Bà Rịa- Vũng Tàu tuyên phạt Lương Kiều Tính (44 tuổi, ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang) 12 tháng tù; Phạm Anh Tuấn (27 tuổi, quê Quảng Bình) 12 tháng tù cùng về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”. Liên quan đến vụ án, bà Đỗ Thị Lệ Hoa (ngụ huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cùng con dâu Lê Thị Chi (ngụ quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) bị xử phạt lần lượt 500 triệu đồng và 550 triệu đồng.
Theo cơ quan chức năng, tháng 6/2023, khi đi du lịch cùng gia đình tại Côn Đảo, Chi nhờ Phạm Anh Tuấn là tài xế taxi tại Côn Đảo tìm mua giúp trứng rùa biển. Tuấn đã đưa Chi tới gặp Tính mua 5 quả trứng rùa biển với giá 250.000 đồng/quả. Sau đó, Chi đã nhờ mẹ chồng là bà Hoa cất số trứng này vào vali để đưa về đất liền. Tuy nhiên, hai mẹ con bị bắt giữ tại Cảng Hàng không Côn Đảo. Cơ quan chức năng xác định 4 trong 5 quả trứng trên là trứng vích, một loài rùa biển.
Không chỉ động vật, một số loài thực vật cũng được xếp vào danh mục nguy cấp, quý hiếm và nếu ai đó vào rừng khai thác, mua bán, họ đã vi phạm pháp luật.
Anh Hoàng Văn Vượng ở xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang là một thợ rừng. Công việc hằng ngày là vào rừng khai thác “bất cứ thứ gì có thể bán được” như cây thuốc, động vật (nhím, dúi, một số loài chim, chuột) và các loại cây có thể được trồng làm cảnh như tổ quả, phát tài, phổ biến nhất là phong lan. “Cứ có lan là lấy về, loại gì cũng bán được”, anh cho biết.
Nhưng theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP, có hàng trăm loài thực vật được đưa vào danh mục bảo vệ. Và nếu xét theo danh mục này, những thợ rừng như anh Vượng đã vi phạm pháp luật khi khai thác những cây lan kim tuyến hay lan hài và nhiều loài cây, hoa quý khác.
Đã có một số người bị bắt vì tự ý khai thác các loài cây được xác định là quý hiếm trong rừng. Tháng 9/2024, Công an TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bắt tạm giam Phạm Hồng Trung (sinh năm 1993, trú phường Kim Dinh, TP Bà Rịa) về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Trung được cho là đã tàng trữ hai cây rừng quý hiếm gồm một cây cẩm lai và một cây giáng hương quả to. Công an xác định Trung bứng hai cây này tại rừng phòng hộ Núi Dinh - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đem về nhà trồng.
Trước đó, Trung đã bị kiểm lâm xử phạt vi phạm hành chính cùng hành vi trên. Điều đó có nghĩa là ngoài chịu phạt hành chính, tùy hành vi và mức độ, tính chất vụ việc, can phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.