DeepSeek thay đổi định kiến về AI Trung Quốc như thế nào?
DeepSeek của Trung Quốc cho thấy cuộc đua tranh ngôi vị dẫn đầu AI không còn là nước nào sở hữu chip tốt nhất, mà là nước nào biết cách tận dụng chip tốt nhất.
Năm 2022, dưới tên “một chú lợn con bình thường”, Liang Wenfeng - nhà sáng lập DeepSeek đã âm thầm quyên góp 138 triệu NDT (19 triệu USD) cho các tổ chức thiện nguyện Trung Quốc. Khi ấy, hoạt động đầu tư của ông đang vấp phải áp lực pháp lý chồng chất.
Ngày 28/1/2022, quỹ đầu cơ High-Flyer Quant của Liang phải ra tuyên bố phủ nhận liên quan đến việc bán tháo khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc bị “sập”.
Ba năm sau, DeepSeek một lần nữa trở nên nổi tiếng vì thực sự là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Mỹ rung lắc dữ dội. Đợt bán tháo ngày 27/1 đã thổi bay gần 1.000 tỷ USD vốn hóa của các doanh nghiệp công nghệ lớn nhỏ, trong đó không thể không nhắc đến cú sập 600 tỷ USD từ Nvidia.
“Chất xúc tác” chính là DeepSeek R1, mô hình lý luận ra đời vài tuần sau mô hình ngôn ngữ lớn V3. Chúng có năng lực không thua kém của OpenAI nhưng chi phí đào tạo thấp hơn đáng kể, gây hoài nghi về định giá của các công ty chip và AI Mỹ.
Nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen gọi mô hình R1 là “khoảnh khắc Sputnik” của AI, tương tự khi Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên vào không gian, đánh bại Mỹ.
Chuyên gia phân tích Peter Milliken của ngân hàng Deutsche Bank khẳng định DeepSeek còn “hơn cả khoảnh khắc Sputnik”, thể hiện sức mạnh của Trung Quốc trong đổi mới sáng tạo AI.
Truyền thông Trung Quốc chưa bao giờ phấn khích như thế. Tân Hoa Xã dự đoán DeepSeek sẽ tạo ra làn sóng đổi mới sáng tạo AI mới, đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ sinh thái công nghiệp tự động và có thể kiểm soát được.
Nhật báo Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Khoa học Trung Quốc cho rằng, bước đột phá của DeepSeek đã thách thức sức mạnh tính toán của phương Tây. “DeepSeek giống như ánh sáng mạnh mẽ xuyên qua sương mù”, tờ báo ví von.
Rao Yi, nhà khoa học thường thức nổi tiếng của Trung Quốc, gọi DeepSeek là phát minh vĩ đại nhất của nước này kể từ Chiến tranh Nha phiến những năm 1940.
Đột phá của DeepSeek ra đời khi Trung Quốc đang bị Mỹ dồn vào chân tường trong cuộc đua AI. Mỹ siết chặt xuất khẩu chip tiên tiến sang đại lục, đặc biệt là GPU Nvidia – một thành phần quan trọng để đào tạo mô hình AI, tước đi vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến.
Trong khi đó, các công ty AI trong nước gặp bất lợi về vốn, không thể đầu tư mạnh tay như các đối thủ Mỹ.
Với những tiến bộ trong AI và gần như độc quyền với chip tiên tiến, Mỹ trở thành thế lực đáng gờm nhất trong ngành công nghiệp. OpenAI chặn truy cập ChatGPT tại Trung Quốc, đồng thời đóng lỗ hổng cho phép mọi người sử dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) mà không cần mạng riêng ảo (VPN), chặn các địa chỉ IP Trung Quốc.
DeepSeek R1 đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn về AI Trung Quốc, phá tan định kiến về những gì cần có để trở thành người đi đầu về AI. Các quan chức cấp cao, bao gồm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Huang Kunming, đã lên tiếng khen ngợi thành tựu của DeepSeek.
Với sự xuất hiện bất ngờ của đối thủ Trung Hoa, CEO OpenAI Sam Altman đã phải thừa nhận sai lầm khi theo đuổi các mô hình độc quyền, cũng như công nhận những tiến bộ của mô hình nguồn mở. Ông chỉ ra OpenAI cần chiến lược nguồn mở khác biệt.
Dù OpenAI nói có bằng chứng DeepSeek “học lỏm” dữ liệu của mình để phát triển các mô hình, Altman cho biết chưa có kế hoạch kiện startup này.
Nhà phân tích Tilly Zhang của hãng tài chính Gavekal lưu ý, DeepSeek chứng minh các công ty Trung Quốc đã bước tiến ra sao trong đổi mới sáng tạo phần mềm, giảm thiểu tác động từ lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ lên phần cứng.
“Cuộc đua tranh ngôi đầu AI không còn là ai được tiếp cận chip tốt nhất mà là ai tận dụng tốt nhất”, ông bình luận.
Tại quê nhà, danh tiếng của DeepSeek lên như diều gặp gió. Dự án bên lề của High-Flyer trở thành niềm tự hào quốc gia và sức mạnh công nghệ.
Hàng loạt nhà phát triển chip và nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng AI chạy đua điều chỉnh để tích hợp mô hình DeepSeek với hi vọng startup sẽ tạo ra chuỗi AI “made in China” tự chủ hoàn toàn.
Bất chấp sự nổi tiếng của mình, DeepSeek và Liang vẫn tỏ ra khiêm nhường, giữ im lặng trước những tin đồn và thành tựu riêng.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ 36Kr tháng 5/2024, Liang bày tỏ thất vọng khi doanh nghiệp Trung Quốc không tự tiến hành nghiên cứu mà dựa vào người khác.
Theo nhà sáng lập DeepSeek, đổi mới được thúc đẩy bằng sự tò mò và khao khát hơn là những nhu cầu kinh doanh. Tầm nhìn của ông với DeepSeek là thay đổi thế giới qua đổi mới.
Không còn là “một chú lợn con bình thường”, Liang đã vững vàng đi đầu trong cuộc cách mạng AI Trung Quốc.
(Theo SCMP)