DeepSeek gây bão giới công nghệ
Sự xuất hiện của DeepSeek, một mô hình Trí tuệ nhân tạo (AI) đầy hứa hẹn từ Trung Quốc, đã gây bão ngay đầu năm mới 2025.
Mô hình AI mới này được phát triển bởi DeepSeek, một công ty khởi nghiệp mới được thành lập cách đây một năm. Dù tuổi đời ngắn, sức mạnh của DeepSeek đã có thể sánh ngang hoặc thậm chí vượt trội so với những mô hình AI nổi tiếng như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google, CoPilot của Microsoft hay Llama của Meta… Mô hình này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý đáng kể nhờ khả năng lập luận tiên tiến, được cho là đã đạt được hiệu suất tương đương với các hệ thống AI hàng đầu, như ChatGPT của OpenAI, nhưng với chi phí phát triển chỉ bằng một phần nhỏ.
Ứng dụng DeepSeek đã gây ra cú sốc lớn tại thị trường Mỹ. Ngay sau khi được công bố, DeepSeek đã bất ngờ trở thành ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất App Store của Apple tại Mỹ, vượt qua ChatGPT.
Mô hình đáng kinh ngạc
Đây là một mô hình AI mang tính đột phá, có khả năng thiết lập một tiêu chuẩn mới trên toàn cầu, không chỉ về hiệu suất mà còn về giá cả và chiến lược phát triển nguồn mở. DeepSeek đã gây bão trong cộng đồng AI, vượt qua nhiều mô hình AI hàng đầu, bao gồm cả AI nguồn đóng, thách thức quan điểm rằng AI nguồn mở chỉ có thể đóng vai trò thứ yếu. Việc sử dụng các công nghệ nguồn mở khiến DeepSeek trở nên hấp dẫn đối với các nhà phát triển và doanh nghiệp muốn tích hợp các giải pháp AI vào cơ sở hạ tầng hiện có mà không phải đầu tư nhiều vào nguồn lực công nghệ thông tin đắt đỏ. DeepSeek cũng tự hào có tốc độ và hiệu quả ấn tượng, xử lý thông tin với tốc độ chóng mặt. Điều thực sự khiến ngành công nghiệp chấn động là tuyên bố của DeepSeek rằng họ đã phát triển mô hình mới nhất của mình, R1, với chi phí chỉ 5,6 triệu USD - một con số cực nhỏ so với hàng tỷ USD mà các gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã đổ vào AI.
Trên mạng X, Marc Andreessen, người ủng hộ Tổng thống Donald Trump và là một trong những nhà đầu tư công nghệ hàng đầu thế giới, đã gọi DeepSeek là "một trong những đột phá đáng kinh ngạc và ấn tượng nhất mà tôi từng thấy". Sự ra đời của DeepSeek, một công ty khởi nghiệp mới 1 năm tuổi có quy mô chưa đến 200 người, không cần dùng đến các tổ hợp chip quá mạnh mẽ trong khi hiệu quả vẫn vượt trội, sẽ buộc các ông lớn công nghệ Mỹ như OpenAI và Google phải xem xét lại chiến lược phát triển. Thay vì dồn tiền vào đầu tư phần cứng mua hàng chục nghìn con chip siêu tốc độ đắt đỏ của Nvidia hay xây dựng các nhà máy AI, các tập đoàn Mỹ có thể phải chuyển sang tối ưu thuật toán để giảm chi phí.
Giới chuyên gia cho rằng mô hình AI của DeepSeek sẽ là bước ngoặt mới trong việc đổi mới AI. Ông Mathew Oldham, Giám đốc cơ sở hạ tầng AI của Meta, nhận xét mô hình mới của DeepSeek có thể vượt trội hơn phiên bản tiếp theo của Llama AI, dự kiến phát hành đầu 2025. Còn Yann LeCun, Giám đốc khoa học AI của Meta, đánh giá thành công của DeepSeek cho thấy mô hình AI nguồn mở đang vượt mặt sản phẩm độc quyền.
Cổ phiếu công nghệ Mỹ lao dốc
Ngay sau khi tin tức được công bố, cổ phiếu của các công ty công nghệ Mỹ lao dốc. Ngày 27-1, cổ phiếu của Nvidia đã giảm 17%. Theo Bloomberg, đây là cú giảm giá trị thị trường lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ, với mức thiệt hại gần 600 tỷ USD. Thông tin về năng lực AI "siêu việt" của DeepSeek cũng đã gây ra một sự thay đổi lớn trong các khoản đầu tư vào các công ty không phải công nghệ trên Phố Wall. Giá khí đốt tự nhiên tương lai, được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các máy phát điện, cũng giảm 5,9%. Dầu giảm hơn 2%. Bitcoin và các loại tiền điện tử khác cũng lao dốc.
Reuters dẫn nguồn tin nội bộ cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31-1 đã gặp CEO Nvidia để bàn về DeepSeek. Cả hai cũng bàn về việc thắt chặt xuất khẩu chip AI. Trong đó, ông Trump hỏi sự xuất hiện của DeepSeek có đồng nghĩa với việc "các công ty Mỹ không phải tốn nhiều tiền để xây dựng một giải pháp AI chi phí thấp".
Mỹ điều tra
Ngày 1-2, một nguồn thạo tin cho biết Bộ Thương mại Mỹ đang điều tra việc DeepSeek có sử dụng các vi mạch (chip) của Mỹ thuộc diện không được phép vận chuyển đến Trung Quốc hay không. Nguồn tin trên cho biết các quốc gia bao gồm Malaysia, Singapore và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã theo dõi hoạt động buôn lậu chip AI có tổ chức vào Trung Quốc. Trong tuyên bố mới nhất cùng ngày, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) đã bác bỏ thông tin liên quan đến việc DeepSeek mua chip của "ông lớn" Nvidia tại Mỹ (bị cấm xuất đến Trung Quốc) thông qua các trung gian tại Singapore.
Theo DeepSeek, họ đã sử dụng chip H800 để cung cấp năng lượng cho mô hình học tập lớn của mình. Các "ông lớn" chip của Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK hynix là những nhà cung cấp chính các chip tiên tiến được sử dụng trong máy chủ AI. Những lo ngại về tác động của DeepSeek đã ảnh hưởng đến cổ phiếu ở Seoul, với cổ phiếu của Samsung giảm hơn 2% và cổ phiếu của SK hynix "bốc hơi" gần 12%.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại về chatbot AI của DeepSeek. Ngày 29-1, Cơ quan bảo vệ dữ liệu Italy (Garante) xác nhận đã gửi thư yêu cầu DeepSeek ung cấp thông tin về cách sử dụng dữ liệu mà họ thu thập được, do lo ngại những "rủi ro có thể xảy ra đối với dữ liệu của hàng triệu người dân Italy". Trong một động thái tương tự, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland cũng xác nhận đã yêu cầu DeepSeek cung cấp thông tin chi tiết về cách xử lý dữ liệu của các công dân Ireland. Chính phủ Australia, tuy chưa có hành động cụ thể, nhưng cũng đã bày tỏ quan ngại về quản lý dữ liệu và quyền riêng tư.
Ngày 31-1, giới chức trách Hàn Quốc cho biết sẽ yêu cầu công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Quốc giải trình về cách họ quản lý thông tin cá nhân của người dùng. Tương tự, Cơ quan giám sát CNIL của Pháp cũng cho biết sẽ chất vấn DeepSeek về chatbot của họ để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động và những rủi ro liên quan đến bảo vệ dữ liệu.