Đề xuất xây dựng trung tâm thời trang 12.000 tỷ đồng tại TP.HCM

Trung tâm Thời trang tại TP.HCM không chỉ đơn thuần là nơi bán hàng mà còn bao gồm các chức năng như đào tạo nhân lực, cung cấp nguyên vật liệu, thậm chí có cả khu lưu trú ngắn hạn cho du khách đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm.

Chính sách thuế quan của Mỹ đã đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may. Để ứng phó, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng thị trường, Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu, đồng thời khẳng định thương hiệu Việt trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp cấp bách được Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM đề xuất là xây dựng Trung tâm Thời trang tại TP.HCM. PLO đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, về vấn đề này.

 Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM

Nhiều hãng thời trang nổi tiếng tăng tỉ lệ nội địa hóa

- Phóng viên: Thưa ông, mặc dù hiện nay Mỹ tạm hoãn thực hiện thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam, nhưng ngành dệt may sẽ ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ trong tương lai như thế nào?

+ Ông Phạm Văn Việt: Kể từ khi có thông báo tạm hoãn 90 ngày, các doanh nghiệp ngành dệt may đang chạy đua để hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ trước ngày 1-7, tức là trước khi thời hạn tạm hoãn kết thúc.

Hiện nay, sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang chịu mức thuế tổng cộng khoảng 26%. So với mức thuế của một số đối thủ như Ấn Độ, Mexico hiện tại chỉ khoảng 25%, mức thuế của chúng ta vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu sau ngày 1-7, mức thuế đối ứng có thể tăng thêm hơn 10%, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu, thậm chí không thể bán hàng được do cạnh tranh với các nước như Mexico, Ấn Độ hay Bangladesh.

Hơn nữa, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế lần này cho thấy quyết định được đưa ra nhằm rà soát kỹ lưỡng hơn trong việc đánh giá tính minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu

- Với nhiều thách thức từ biến động thị trường toàn cầu, mục tiêu ngành dệt may đạt 46-48 tỉ USD trong năm 2025 sẽ khó đạt được phải không thưa ông?

+ Chắc chắn rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã mở rộng thị trường, cùng với tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, cũng mặt bằng đó, con người đó công suất tăng gấp ba lần nên đáp ứng được.

Vì vậy, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đầu tư công nghệ cao làm sao cạnh tranh được với hàng Trung Quốc và các nước khác đồng thời phù hợp với linh hoạt sản xuất các đơn hàng.

Điều đáng mừng là mặc dù trước chính sách thuế quan của Mỹ, các hãng thời trang lớn đang cố gắng tìm các nguyên liệu nội địa, gia tăng giá trị tại Việt Nam.

- Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 09 nhằm tăng cường quản lý chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong bối cảnh cần minh bạch chuỗi cung ứng. Theo ông, Chỉ thị này có ý nghĩa gì?

+ Chúng tôi rất đồng tình và ủng hộ chủ trương này, khi chúng ta yêu cầu sự minh bạch về xuất xứ đồng thời đảm bảo việc đóng thuế công bằng. Bên cạnh đó, các thị trường như Châu Âu đã thực hiện việc quản lý truy xuất nguồn gốc từ lâu nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể gian lận.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp hàng hóa được nhập khẩu từ các nước khác, sau đó gắn nhãn mác “Made in Vietnam”, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam chân chính. Đặc biệt, trên các sàn thương mại điện tử, tình trạng người bán nhập hàng tồn kho, giá rẻ về bán đang làm suy yếu sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gây ra sự đứt gãy liên tục trong chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh Việt Nam xác định doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển quan trọng nhất của nền kinh tế trong kỷ nguyên mới, việc giải quyết các vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách đồng bộ.

 Khách tham quan tìm kiếm sản phẩm thân thiện môi trường tại triển lãm Quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN

Khách tham quan tìm kiếm sản phẩm thân thiện môi trường tại triển lãm Quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN

Hướng tới xây dựng thương hiệu Made in Vietnam

- Thưa ông, năm 2022 Chính phủ đã ban hành Quyết định Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da Giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2035. Đây có được xem là giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp không?

+ Chiến lược đặt ra tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may giai đoạn 2021-2025 đạt từ 51%-55% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 56% - 60%. Chiến lược phát triển cho ngành dệt may là một kế hoạch dài hơi, có thể mất 15- 20 năm để đạt được mục tiêu.

Điểm khởi đầu là phải phát triển từ vùng nguyên liệu, sau đó là vùng sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành thời trang. Từ đó, chúng ta sẽ tiến hành sản xuất và xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam”. Đặc biệt, việc xây dựng Trung tâm Thời trang tại TP.HCM là một cấu phần quan trọng của chiến lược này.

Chẳng hạn, trong việc phát triển vùng nguyên liệu, chúng ta có thể thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển các vùng nguyên liệu bông, xơ, sợi tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long, hoặc thiết lập liên kết chuỗi cung ứng trong khối ASEAN với Lào, Campuchia, Indonesia.

- Trung tâm Thời trang này có những điểm gì đặc biệt, thưa ông?

+ Tương tự như các trung tâm thời trang quốc tế, Trung tâm Thời trang tại TP.HCM không chỉ đơn thuần là nơi bán hàng mà còn bao gồm các chức năng như đào tạo nhân lực, cung cấp nguyên vật liệu, thậm chí có cả khu lưu trú ngắn hạn cho du khách đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm.

Trung tâm này dự kiến sẽ có bốn chức năng chính, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ ngành dệt may thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Trung tâm thời trang còn có các khu vực dành cho triển lãm, trưng bày sản phẩm, và có thể có bảo tàng ngành dệt may... Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận công nghệ mới, xây dựng chuỗi cung ứng vững mạnh để phục vụ cả xuất khẩu lẫn thị trường nội địa.

Trung tâm cũng sẽ có khu vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thời trang, bao gồm từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế, sản xuất, đến phân phối và trình diễn.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, mua sắm - đây là một hình thức xuất khẩu tại chỗ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan như thương mại, dịch vụ và logistics.

Từ trung tâm này, chúng ta có thể tập trung xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam” có chiều sâu, tránh tình trạng bị đánh đồng hoặc gộp chung với các sản phẩm từ những quốc gia bị áp thuế cao trong tương lai.

- Được biết, Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM đã đề xuất thành lập Trung tâm này cách đây nhiều năm. Vậy đến nay còn những vướng mắc nào, và liệu Việt Nam có đang quá chậm chân hơn so với các nước khác không, thưa ông?

+ Hiện tại, Chính phủ vẫn chưa chính thức khẳng định ngành dệt may là ngành công nghệ cao, mặc dù thực tế ngành này đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như robot, AI vào sản xuất. Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất liên quan đến quy mô rất lớn của Trung tâm Thời trang, khiến TP.HCM vẫn chưa tìm được quỹ đất phù hợp.

Hội đã đề xuất và được thành phố giới thiệu một địa điểm tại huyện Cần Giờ với quy mô 100 hecta. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho Trung tâm này vào khoảng 12.000 tỷ đồng.

So với Trung Quốc, chúng ta đang rất chậm. Với tốc độ phát triển hiện tại, nếu chúng ta không có trung tâm thời trang có lẽ phải mất từ 20 năm đến 30 năm nữa Việt Nam mới có thể bắt kịp ngành dệt may của quốc gia này cũng như một số quốc gia khác.

Chúng tôi cho rằng, dù sớm hay muộn thì Việt Nam cũng phải xây dựng một trung tâm có quy mô và chức năng như vậy.

Có hai phương án đầu tư được cân nhắc. Thứ nhất là Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, sau đó các đơn vị muốn tham gia sẽ thông qua đấu thầu để thuê mặt bằng theo từng khu chức năng, với thời gian thuê có thể là 5-10 năm…

Thứ hai là phương án xã hội hóa. Theo đó, Hội đề xuất các doanh nghiệp dệt may sẽ tạm ứng tiền để đầu tư xây dựng, nhưng cần Nhà nước có cơ chế đặc thù và các ưu đãi về thuế…

- Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp nhỏ giỏi xây dựng thương hiệu

Một quốc gia mạnh cần có các doanh nghiệp mạnh, và các doanh nghiệp đó phải xây dựng được thương hiệu. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia vào chuỗi thời trang toàn cầu với tỷ lệ khoảng 9%, tuy nhiên chủ yếu vẫn dừng ở công đoạn gia công. Thậm chí có những sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa lên đến khoảng 70% nhưng vẫn chỉ được biết đến dưới dạng OEM, ODM.

Nhiều doanh nghiệp lớn chỉ lo sản xuất trong khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam lại rất giỏi trong việc xây dựng thương hiệu nội địa. Họ sản xuất các sản phẩm thời trang cho người tiêu dùng Việt Nam từ các nguyên liệu tái chế, hoặc nguyên liệu tự nhiên như bẹ chuối, dứa, cà phê…

Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã chủ động triển khai các mô hình sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn. Điều này cho thấy chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện và tiềm năng để xây dựng các thương hiệu mạnh cho ngành dệt may Việt Nam.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-xay-dung-trung-tam-thoi-trang-12000-ty-dong-tai-tphcm-post848406.html
Zalo