Đề xuất việc quyết định hình phạt dựa trên tỷ lệ số tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ
Dự thảo BLHS sửa đổi bổ sung thêm quy định tòa án khi quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào tỷ lệ số tình tiết tăng nặng và số tình tiết giảm nhẹ.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được công bố gồm 3 phần, 26 chương, 433 Điều. So với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), đã giữ nguyên 181 Điều, sửa đổi 245 Điều, bổ sung 06 điều và bỏ 18 Điều.
Tại Chương VIII của dự luật, cơ quan soạn thảo tiếp tục quy định về việc quyết định hình phạt, xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với người bị buộc tội...
Bổ sung cơ chế khi quyết định hình phạt cụ thể
Về căn cứ quyết định hình phạt, dự thảo kế thừa quy định hiện hành nguyên tắc: Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội. Làm rõ hơn nội dung này, dự luật bổ sung quy định "Trường hợp xác định người phạm tội không có khả năng thi hành hình phạt tiền thì không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính".
Cũng theo dự thảo, các tình tiết giảm nhẹ TNHS (Điều 51), các tình tiết tăng nặng TNHS (Điều 52) vẫn được giữ nguyên.
Tuy nhiên, Điều 54 (Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất củakhung hình phạt được áp dụng)đã bổ sung thêm quy định về cách thức quyết định hình phạt, dựa vào tỷ lệ số tình tiết tăng nặng và số tình tiết giảm nhẹ.

Quang cảnh một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH
Cụ thể, tòa án quyết định một hình phạt ở khoảng đầu khung hình phạt trong trường hợp số tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn số tình tiết tăng nặng là một.
Tòa án quyết định một hình phạt ở khoảng giữa khung hình phạt trong trường hợp số tình tiết giảm nhẹ bằng số tình tiết tăng nặng.
Tòa án quyết định một hình phạt ở khoảng cuối khung hình phạt trong trường hợp số tình tiết tăng nặng nhiều hơn số tình tiết giảm nhẹ là một và quyết định một hình phạt ở mức cao nhất của khung hình phạt khi số tình tiết tăng nặng nhiều hơn số tình tiết giảm nhẹ từ hai trở lên.
Minh bạch, khách quan khi quyết định hình phạt
Trao đổi với PLO về đề xuất mới nêu trên, Luật sư Nguyễn Minh Cảnh, nguyên Thẩm phán TAND TP.HCM, cho biết nguyên tắc xử lý người phạm tội theo quy định của BLHS là nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng đối với người ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra hoặc đối với người phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng.
Từ nguyên tắc này, thực tế cho thấy có nhiều vụ án, người phạm tội bị truy tố, xét xử ở khung hình phạt phạm tội nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng nhưng khi quyết định hình phạt HĐXX cần quyết định mức hình phạt ở khoảng đầu của khung hình phạt hoặc dưới khung hình phạt đang áp dụng hoặc xử mức hình phạt ở khung thấp nhất.
Như chúng ta đã biết khung hình phạt hiện nay theo quy định của BLHS là một khoảng thời gian khá rộng. Do vậy với đề xuất mới như trong dự thảo sẽ giúp cho HĐXX có căn cứ cụ thể hơn để quyết định chính xác hình phạt áp dụng đối với bị cáo, việc này cũng góp phần minh bạch, khách quan khi quyết định hình phạt.
Đồng tình, Luật sư Nguyễn Văn Hồng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng thực tiễn các điều luật tại BLHS thường quy định các điều khoản có khoảng áp dụng mức phạt tù dao động khá nhiều, như khung hình phạt có thể từ 02 năm đến 07 năm tù; 07 năm đến 15 năm tù; hoặc từ 12 năm tù trở lên đến 20 năm, chung thân, tử hình…
Do đó, việc bổ sung quy định nêu trên đã cụ thể hóa hơn nữa về cách thức áp dụng pháp luật để quyết định hình phạt, phân chia mỗi khoản, khung hình phạt thành bốn mức độ khác nhau: “đầu khung”, “giữa khung”, “cuối khung” và “cao nhất”, tùy theo số tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ mà từng bị cáo được hưởng theo quy định tại Điều 51, Điều 52 BLHS.
"Khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 (và cả dự thảo) quy định khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Tôi cho rằng, với quy định này có thể hiểu rằng các tình tiết được coi là tình tiết giảm nhẹ cũng sẽ được tính vào số tình tiết giảm nhẹ khi xác định tỷ lệ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định hình phạt. Tuy nhiên, để tránh việc hiểu không thống nhất cần minh định rõ điều này trong luật", Luật sư Hồng nói.
Đề xuất đánh bạc từ 10 triệu đồng sẽ bị xử hình sự
Tại Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đã có những đề xuất mới liên quan đến Tội đánh bạc.
Theo Điều 321 dự thảo, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào (dù là bằng tiền hay hiện vật), nếu tổng giá trị từ 10 triệu đến dưới 100 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án vì hành vi này mà chưa được xóa án tích, thì có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
So với luật hiện hành, mức khởi điểm bị xử lý hình sự đã được nâng từ 5 triệu đồng thành 10 triệu đồng.
Tương tự, khoản 2 Điều 321 quy định trường hợp đánh bạc với số tiền hoặc hiện vật giá trị từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù 3-7 năm. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, nếu đánh bạc với số tiền hoặc hiện vật giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì đã rơi vào khung hình phạt 3-7 năm.
Ngoài ra, hình phạt bổ sung cũng tăng từ 10-50 triệu đồng theo quy định hiện hành lên 20-100 triệu đồng theo quy định trong dự thảo.