Nghĩa đẳng lập của một số từ láy hô hoán, hốc hác, hộc tốc, hôi hám

Trong chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa số trước, chúng tôi đã nêu ra 2 từ ghép bị Từ điển từ láy tiếng Việt nhận lầm là từ láy: bộp chộp, bủn rủn. Trong bài này, chúng tôi sẽ phân tích nghĩa của các yếu tố trong một số từ láy: hô hoán, hốc hác, hộc tốc, hôi hám (phần để trong ngoặc kép sau số mục là nguyên văn của Từ điển từ láy tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên; phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi):

1-“HÔ HOÁN đgt. Kêu to lên để mọi người biết có chuyện xảy ra. “khi nghe tiếng thất thanh của anh, bà con các phố láng giềng chạy lại hô hoán lên”; Thoạt vào anh nắm cổ tay, Xin em đừng hô hoán việc này nên to (cd)”.

Hô hoán 呼喚 là từ ghép đẳng lập gốc Hán [nghĩa lịch đại], trong đó hô 呼 nghĩa là kêu to, gọi to (như hô to lên; hoan hô = kêu, hét to lên thể hiện sự vui mừng hoặc cổ vũ); hoán 喚 cũng có nghĩa là gọi, kêu (như: hô phong hoán vũ 呼風喚雨 = hô gió gọi mưa, ví với phép thuật cao siêu, phi phàm của bậc thần tiên hay đạo sĩ).

2-“HỐC HÁC tt. Gầy tóp hẳn đi, mắt, má hõm sâu, lộ vẻ mệt mỏi. “Cụ Nhân, sao mấy hôm nay trông cụ hốc hác thế” (Ma Văn Kháng).

Hốc hác là từ ghép đẳng lập gốc Hán [nghĩa lịch đại], trong đó, hốc gốc Hán là chữ cốc 谷 nghĩa là hang hốc, phần lõm sâu vào (như hốc núi; hốc cây); hác 壑 là yếu tố Hán Việt, cũng có nghĩa là hang hốc (như Gầy hốc gầy hác).

- Hán Việt tự điển (Thiều Chửu) giảng “hác” là “Hang hốc, chỗ rừng núi hiểm hóc gọi là hác. Như lâm hác 林壑 xó rừng, nham hác 巖壑 hỏm núi... Chỗ chứa nước cũng gọi là hác. Như sông bể gọi là đại hác 大壑”.

3- “HỘC TỐC tt. Vất vả dốc sức để làm cho thật nhanh. Làm hộc tốc cho xong”.

Hộc tốc 觳觫 là từ ghép đẳng lập gốc Hán [nghĩa lịch đại], vốn có nghĩa là dáng/vẻ sợ hãi, trong đó hộc 觳 nghĩa là vẻ kinh sợ; tốc 觫 là dáng run sợ, run rẩy.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt - Trung tâm Từ điển học Vietlex) giảng “hộc tốc” là “hết sức vội vã, cốt cho càng nhanh càng tốt, bất kể mọi cái khác: làm hộc tốc ~ “Cái tin dữ đi chóng như bay, Ánh Tuyết vội hộc tốc chạy đến, thì đã thấy chồng bị giải vào trong tòa rồi”. (Nguyễn Công Hoan).

Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê có ghi chú thêm “hộc tốc 觳觫 trong tiếng Hán có nghĩa là ‘sợ run lên’; nghĩa trong tiếng Việt phải chăng do hiểu tốc 觫 thành tốc 速 ‘nhanh’, hai chữ này trong tiếng Hán cũng đồng âm?”.

- Việt Nam tự điển: “hộc-tốc Dáng sợ hãi. Dùng sang tiếng ta là chạy nhanh, mạnh quá, thở hộc lên <>Hộc-tốc giốc gan”.

3- “HÔI HÁM tt. Có mùi khó ngửi, hôi (nói khái quát). “Những thân hình xám xịt, hôi hám buộc dây bông băng cứ ngọ nguậy chân tay quờ qua quờ lại” (Anh Đức).

Hôi hám là từ ghép đẳng lập [nghĩa lịch đại]: hôi, thì đã rõ nghĩa, còn hám nghĩa là gì? Hám cũng có nghĩa là hôi. Trong tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay, tất cả đều chỉ giảng nghĩa duy nhất của từ hám là tham, ham. Tuy nhiên, Từ điển Việt-Bồ-La ghi nhận như sau: “hám, hôi hám: Hôi thối. thối hám: Xông mùi hôi nặng. hám lám: Cùng một nghĩa”.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, hám vốn có nghĩa là hôi; thối hám có nghĩa là thối hôi, tương tự như từ hôi thối hiện nay.

Như vậy, hô hoán, hốc hác, hộc tốc, hôi hám vốn là những từ ghép đẳng lập, bởi các yếu tố cấu tạo từ có khả năng độc lập trong hành chức. Tuy nhiên về sau, một trong hai yếu tố (hoặc cả hai) bị mất nghĩa, mờ nghĩa, nên những từ này bị xem là từ láy.

Mẫn Nông (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nghia-dang-lap-cua-mot-so-tu-lay-ho-hoan-hoc-hac-hoc-toc-hoi-ham-246069.htm
Zalo