Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe Hybrid

Trong phiên thảo luận Tổ sáng 22/11 về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ĐBQH tại Tổ 5 đề nghị cần có ưu đãi đặc biệt cho xe Hybrid nhằm khuyến khích sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường. Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ.

Toàn cảnh Phiên họp tại Tổ 5

Toàn cảnh Phiên họp tại Tổ 5

Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tham gia họp tại Tổ 5 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang.

Nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi), đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại điểm h khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật quy định điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống là đối tượng chịu thuế TTĐB. Lý giải cho đề nghị, địa biểu Sùng A Lềnh cho rằng, điều hòa nhiệt độ là đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008. Trước đây, điều hòa nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, điều hòa nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Bởi vậy, việc bỏ mặt hàng này khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là phù hợp.

Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Cân nhắc chính sách ưu đãi thuế TTĐB cho các loại xe thân thiện với môi trường

Cũng liên quan đến chính sách ưu đãi thuế TTĐB, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Quyết định 508/QĐ-TTg ngày 23/4/ 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nêu rõ: “rà soát nghiên cứu sửa đổi bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe Nhân dân và bảo vệ môi trường”. Trong dự thảo Luật lần này, tại Điều 8 quy định thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hóa dịch vụ trong đó có sửa đổi bổ sung mô tả và mức thuế suất đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, chưa có quy định bổ sung liên quan tới việc khuyến khích sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường như dòng xe điện Hybid (HEV- Hybrid Electric Vehicle).

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Nhằm khuyến khích sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường theo đúng chủ trương sửa đổi của dự thảo Luật lần này, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị bổ sung vào điểm đ, Điều 8 “dòng xe điện Hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu cùng loại quy định tại các điểm 4a, 4b, 4c và 4d của Biểu thuế tại Điều 8 Luật này”; đồng thời sửa đổi mức Thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe điện có sạc ngoài từ mức 70% xuống 50% so với dòng động cơ đốt trong cùng loại.

Nêu số liệu dự báo tác động của đề xuất ưu đãi thuế TTĐB đối với xe Hybrib có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 5 nghìn tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn dự báo từ năm 2026 đến năm 2030, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, mức giảm thuế TTĐB với dòng xe điện có sạc ngoài chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng số thu thuế TTĐB mỗi năm (tương đương khoảng 0,35% tổng thu thuế hằng năm), song sẽ giúp giảm lượng dầu thô cần nhập khẩu cho hoạt động sản xuất xăng dầu ở Việt Nam, từ đó góp phần vào giảm áp lực lên cán cân thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Liên quan đến việc sửa đổi thuế suất đối với mặt hàng xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị xem xét một lộ trình và mức độ tăng thuế phù hợp hơn để tránh ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang sử dụng đến 64% loại xe này. Việc tăng thuế ở mức cao và một lần như đề xuất sẽ khiến cho giá thành sản phẩm này tăng một cách đột biến, ảnh hưởng lớn đến chi phí của các cả doanh nghiệp sản xuất và người sử dụng loại xe này. Việc tăng thuế cũng có thể khiến sản lượng bán hàng giảm và từ đó mức thu ngân sách cũng không đạt được như kỳ vọng. Do vậy, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung kiến Quốc hội xem xét lộ trình tăng thuế trong vòng từ 3-5 năm cho mặt hàng đặc thù này.

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận Tổ, các ĐBQH tại Tổ 5 cũng đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi). Theo đó, các ĐBQH thống nhất với việc ban hành Luật thuế TNDN (sửa đổi) là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng; đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn tình hình phát triển mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Toàn cảnh Phiên họp tại Tổ 5

Toàn cảnh Phiên họp tại Tổ 5

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Dương Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Dương Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=91178
Zalo