Đề xuất vay tín dụng với lãi xuất thương mại hợp lý cho nhóm người trẻ lần đầu mua nhà
HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng cơ chế ưu đãi tín dụng cho nhóm người trẻ (tuổi từ 18-45 tuổi) lần đầu mua nhà thương mại giá rẻ. Mức lãi suất thương mại ưu đãi từ 6-7% một năm và được bảo đảm khoản vay bằng chính tài sản đã mua.
Trong báo cáo trình Thủ tướng tại Hội nghị sắp tới về thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền (affordable housing).
Trong đó HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng cơ chế ưu đãi tín dụng cho nhóm người trẻ (tuổi từ 18-45 tuổi) lần đầu mua nhà thương mại giá rẻ. Mức lãi suất thương mại ưu đãi từ 6-7% một năm và được bảo đảm khoản vay bằng chính tài sản đã mua. Thời hạn ưu đãi lãi suất sẽ kéo dài từ 10-15 năm.
![HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng cơ chế ưu đãi tín dụng cho nhóm người trẻ, thời hạn ưu đãi lãi suất sẽ kéo dài 10-15 năm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_113_51439677/c1c0e54ed100385e6111.jpg)
HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng cơ chế ưu đãi tín dụng cho nhóm người trẻ, thời hạn ưu đãi lãi suất sẽ kéo dài 10-15 năm.
Trước đó, HoREA cũng từng đưa ra kiến nghị về việc nghiên cứu chính sách vay ưu đãi lãi suất 4,7% một năm trong 20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên, giá tài sản không quá 2 tỷ đồng một căn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng với thu nhập hiện nay, phần lớn người trẻ hoặc người có thu nhập trung bình chỉ đủ khả năng vay mua các dự án nhà vừa túi tiền, giá bán từ 2-3 tỷ đồng mỗi căn.
Thực tế đây cũng là phân khúc được người có nhu cầu ở thực quan tâm nhất những năm qua. Tuy nhiên, phân khúc này đang khan hiếm nguồn cung, ít được các chủ đầu tư quan tâm, nhất là ở thị trường Hà Nội và TP HCM.
Việc tạo cơ chế thuận lợi cho nhóm lao động trẻ mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền sẽ là động lực để khuyến khích doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc rổ hàng, chuyển hướng sang đầu tư sang phân khúc này nhiều hơn. Điều này cũng giúp cấu trúc hoạt động của thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững hơn.
Cùng với đó, theo ông Châu, nhóm người trẻ trong độ tuổi lao động còn một khoảng thời gian dài để làm ăn và trả nợ, thông thường sau khoảng 10-15 năm sẽ có thu nhập tăng gấp đôi hoặc cao hơn. Nhóm này hầu như không có rủi ro cho các ngân hàng thương mại khi vay.
Thực trạng người lao động trẻ khó tiếp cận cơ hội an cư đang diễn ra phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn trong bối cảnh giá nhà và thu nhập ngày càng chênh lệch lớn.
![Dự án khu NOXH xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội vừa được khởi công.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_113_51439677/94a2b82c8c62653c3c73.jpg)
Dự án khu NOXH xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội vừa được khởi công.
Theo kết quả nghiên cứu của chuyên trang nhà đất Batdongsan về sự chênh lệch lương trung bình với giá nhà, ở thời điểm năm 2014, với GDP bình quân đầu người khoảng 5,5 triệu đồng một tháng, một người trẻ (tuổi từ 25-40) cần làm việc và tích góp 22 năm để có đủ tiền mua một căn hộ chung cư 60 m2, giá 1,5 tỷ đồng (điều kiện lãi suất huy động khoảng 6% một năm).
Còn sang năm 2024, GDP bình quân đầu người tăng lên khoảng 9,5 triệu đồng một tháng, cùng căn hộ diện tích trên, giá đã vào khoảng 3 tỷ đồng và người trẻ cần làm việc, tích cóp ít nhất 26 năm mới mua được.
Tuy nhiên, khả năng này chỉ diễn ra trong điều kiện lãi suất huy động 4,5%. Nếu lãi suất cao hơn thì số năm cần tích lũy có thể tăng lên trên 30 năm, chưa tính giá nhà thực tế không "bất động" mà dự báo vẫn sẽ tăng "phi mã".
"Nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ gia đình hay các chính sách ưu đãi từ chính phủ, lao động trẻ tại đô thị lớn rất khó để sở hữu nhà với thu nhập bình quân hiện nay", ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan cho hay.
Một báo cáo mới đây từ Công ty nghiên cứu thị trường CBRE cho thấy, Hà Nội và TP HCM thuộc top đầu các thành phố Châu Á mà người dân khó sở hữu nhà ở với thu nhập hiện tại, vượt cả Singapore.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, từng cảnh báo, trong bối cảnh thu nhập bình quân của lao động không theo kịp giá nhà, cơ hội an cư hẹp cửa với người trẻ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về an sinh xã hội. Nếu không có sự thay đổi, sẽ có một thế hệ không bao giờ có thể sở hữu nhà, và thậm chí việc thuê nhà cũng trở nên khó khăn. Điều này dẫn đến người trẻ "ngại cưới lười sinh con". Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ an cư cho người lao động và giải quyết tình trạng chênh lệch giá nhà với thu nhập người dân.
Chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua căn nhà đầu tiên đã được nhiều nước thực hiện, nhưng chưa được quy định trong Luật Nhà ở nước ta.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô trên 580.100 căn.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 96 dự án với quy mô hơn 57.600 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 133 dự án với quy mô hơn 110.200 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 415 dự án với quy mô hơn 412.200 căn.
Trong năm 2025, Bộ Xây dựng đề ra kế hoạch, nhiệm vụ hoàn thành số lượng căn hộ nhà ở xã hội ước tính trên 100.000 căn.