Đề xuất tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù tại TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng sau sáp nhập hành chính

Ngày 19/5, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất tiếp tục áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù tại các địa phương sau khi thực hiện việc sáp nhập và sắp xếp lại tổ chức chính quyền địa phương.

Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, đại diện Thủ tướng Chính phủ trình bày, 6 địa phương gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Cần Thơ và TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được đề nghị tiếp tục áp dụng các cơ chế đặc thù hiện hành ngay cả sau khi hoàn tất quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.

Chính phủ nhận định rằng việc tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và xã/phường) sẽ tác động trực tiếp đến một số địa phương hiện đang hưởng chính sách đặc thù, đặc biệt là 6 địa phương nói trên. Sau sáp nhập, cấp huyện sẽ không còn tồn tại, kéo theo thay đổi về địa giới hành chính, quy mô dân số, và địa vị pháp lý.

Để đảm bảo không xảy ra khoảng trống pháp lý, Chính phủ cho rằng cần thiết phải ban hành quy định chuyển tiếp cho phép các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù trong thời gian chờ rà soát, điều chỉnh hoặc luật hóa để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Việc này đồng thời góp phần duy trì ổn định hoạt động quản lý, triển khai dự án đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Chính phủ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các chính sách đặc thù như một động lực tăng trưởng và phát triển bền vững cho các địa phương có vai trò chiến lược trong nền kinh tế.

Cụ thể, Hải Phòng giữ vị thế là thành phố cảng trọng điểm, trung tâm công nghiệp và logistics; Đà Nẵng là đô thị du lịch và công nghệ cao; Khánh Hòa phát triển kinh tế và du lịch biển; TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước; trong khi Cần Thơ là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi thẩm tra nội dung này đã đồng tình với sự cần thiết của việc chuyển tiếp áp dụng cơ chế đặc thù.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách này đối với nguồn lực tài chính và ngân sách, đồng thời đảm bảo nguyên tắc cân đối thu - chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, đối với các địa phương được sáp nhập vào tỉnh, cần xác định lại tỷ lệ điều tiết ngân sách nhằm phân chia hợp lý giữa ngân sách Trung ương và địa phương.

Hùng Nguyễn

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/de-xuat-tiep-tuc-ap-dung-co-che-dac-thu-tai-tp-hcm-hai-phong-da-nang-sau-sap-nhap-hanh-chinh-317989.html
Zalo