Đề xuất tiếp quản Gaza của ông Trump gây phản ứng mạnh

Kế hoạch gây tranh cãi của cựu Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ tiếp quản Dải Gaza và di dời người Palestine đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Đề xuất này không chỉ có nguy cơ làm xáo trộn chính sách lâu đời của Mỹ tại Trung Đông mà còn đe dọa tiến trình hòa bình mong manh giữa Israel và Hamas.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 4-2. Ảnh: Anadolu Agency

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 4-2. Ảnh: Anadolu Agency

Ngày 4-2, khi gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, ông Trump đưa ra một tuyên bố gây sốc, nói rằng Mỹ sẽ "tiếp quản" và "sở hữu" Gaza, đồng thời hy vọng người Palestine sẽ "đến các quốc gia khác". Đề xuất gây tranh cãi của Tổng thống Trump làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, đồng thời có nguy cơ làm đảo lộn chính sách lâu đời của Washington trong khu vực.

Khó khả thi

Đề xuất của ông Trump gây sốc ngay cả với những người ủng hộ ông. Các quan chức Mỹ, bao gồm Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng quân đội Mỹ có thể tham gia vào Gaza, một quan điểm mà nhiều đảng viên Cộng hòa khác cũng đồng tình. Hơn nữa, việc trục xuất 2 triệu người Palestine khỏi Gaza là điều không thể dễ dàng thực hiện, bởi phần lớn người dân Gaza không muốn rời đi.

Ông Tariq Kenney-Shawa, nghiên cứu viên chính sách Mỹ tại tổ chức nghiên cứu Palestine Al-Shabaka, cho rằng có nhiều lý do khiến việc trục xuất hàng loạt người Palestine khỏi Gaza theo cách mà Tổng thống Trump đề xuất sẽ không thể thực hiện được. Theo ông, điều đó có thể phá hỏng những mục tiêu mà ông Trump đề ra, như thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel. "Việc Mỹ 'tiếp quản' Gaza không chỉ làm suy yếu khả năng đạt được lợi ích của Mỹ trong khu vực mà còn đi ngược lại với nguyên tắc 'Nước Mỹ trên hết'", ông lập luận.

Cố vấn chính trị Sami Hamdi nhận định rằng khó có thể tưởng tượng những người ủng hộ ông Trump lại đồng tình với việc đưa quân đội Mỹ vào Gaza. Ông Hamdi cho rằng thay vì tiếp tục kế hoạch này, rất có thể ông Trump sẽ tìm kiếm một thỏa thuận với các cường quốc trong khu vực có quan hệ thân thiện với Israel, để thành lập một lực lượng "gìn giữ hòa bình" khu vực nhằm kiểm soát Gaza.

Theo đánh giá của Azriel Bermant, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Praha, kế hoạch này "không có triển vọng thực tế" và có thể chính quyền Mỹ sẽ phải xem xét lại do gặp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều phía. Một trong những lo ngại lớn nhất là đề xuất này có thể làm tổn hại đến thỏa thuận ngừng bắn đang trong thế mong manh giữa Israel và Hamas. Chuyên gia Bermant cảnh báo rằng đề xuất của Tổng thống Trump có thể "gây tổn hại đến khả năng giải cứu những con tin còn lại" cũng như ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về giai đoạn hai của thỏa thuận.

"Cơn đau đầu" mới với các nước Arab

"Điên rồ" là từ mà một chuyên gia Trung Đông phản ứng với tuyên bố của Tổng thống Trump về việc "tiếp quản" Gaza. Vậy tại sao một người am hiểu về chiến thuật của ông Trump và sắc thái của ngoại giao Trung Đông lại đưa ra đánh giá thiếu ngoại giao như vậy?

Theo đánh giá của CNN, nói một cách đơn giản, chính sách đảo ngược rõ ràng của Tổng thống Mỹ đối với Gaza - theo quan điểm của hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Đông - không vì lợi ích tốt nhất của bất kỳ ai. Không phải của các nước Trung Đông, không phải của người Palestine, thậm chí không phải của chính ông Trump. Theo cách diễn giải tệ nhất, việc Tổng thống Trump từ bỏ chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua - là ủng hộ khả năng thành lập một nhà nước Palestine, bao gồm cả Gaza - báo hiệu điều mà rất nhiều người ở Trung Đông lo sợ.

Các quốc gia Arab, kể cả những nước đã bình thường hóa quan hệ với Israel, đều bác bỏ đề xuất của ông Trump về việc Ai Cập và Jordan tiếp nhận người Gaza. Nhà lãnh đạo Palestine Mahmud Abbas khẳng định "quyền hợp pháp của người Palestine không thể thương lượng". Các đồng minh của Mỹ trong khu vực đã nhanh chóng bác bỏ đề xuất của ông Trump. Saudi Arabia, Jordan và các quốc gia khác không ủng hộ kế hoạch này.

Mỹ nỗ lực trấn an thế giới

Ngày 5-2, các quan chức cấp cao Mỹ nỗ lực rút lại những tuyên bố của Tổng thống Trump về việc tiếp quản Dải Gaza và tái định cư người Palestine. Giải thích về đề xuất của ông Trump tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm đến Guatemala, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nêu rõ Tổng thống Trump chỉ muốn người Palestine tạm thời rời đi trong khi Gaza được tái thiết. Theo ông, đề xuất này của Tổng thống Trump "rất hào phóng", đó là Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Dải Gaza dọn dẹp đống đổ nát, những bom mìn còn sót lại và tái thiết vùng lãnh thổ này sau xung đột.

Trong khi đó, Nhà Trắng nhấn mạnh Tổng thống Trump chưa cam kết triển khai quân đội Mỹ đến Gaza như một phần trong kế hoạch tái thiết lãnh thổ Palestine, nhưng cũng không loại trừ khả năng này. Thư ký báo chí Karoline Leavitt nêu rõ: "Tổng thống đã nói rất rõ ràng rằng Mỹ cần tham gia vào nỗ lực tái thiết để đảm bảo sự ổn định trong khu vực cho tất cả mọi người. Điều đó không có nghĩa là sẽ triển khai quân đội trên thực địa ở Gaza, cũng không có nghĩa là người dân Mỹ đóng thuế sẽ tài trợ cho nỗ lực này". Khi được hỏi liệu có loại trừ khả năng điều quân đội Mỹ hay không, bà nói: "Tổng thống vẫn chưa cam kết về điều đó". Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết Washington đang cân nhắc mọi phương án khả thi liên quan đến Dải Gaza và sẽ tạm thời không công bố bất kỳ quyết định cụ thể nào.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/de-xuat-tiep-quan-gaza-cua-ong-trump-gay-phan-ung-manh-post308314.html
Zalo