Panama rút khỏi Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI), Trung Quốc nói gì?
Trung Quốc hôm nay (7/2) cho biết nước này 'rất lấy làm tiếc' về việc Panama rút khỏi Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI), đồng thời phản đối việc Mỹ can thiệp vào hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ sáng kiến này.
Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm đưa ra trong cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 7/2, sau khi Panama quyết định rút khỏi Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).
Ông cho biết: “Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động của Mỹ nhằm bôi nhọ và phá hoại hợp tác ‘Vành đai và Con đường’ thông qua gây áp lực và cưỡng ép, đồng thời bày tỏ rất lấy làm tiếc về quyết định không gia hạn Biên bản ghi nhớ của Panama”.
![Ảnh minh họa: Reuters](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_65_51421199/7bc1bc4985076c593516.jpg)
Ảnh minh họa: Reuters
Theo người phát ngôn, đến nay, đã có hơn 150 quốc gia, bao gồm hơn 20 quốc gia Mỹ Latinh tham gia BRI. Ông cũng nói thêm rằng Trung Quốc và Panama đã đạt được những thành quả to lớn về hợp tác trong khuôn khổ BRI. Ông “hy vọng Panama loại bỏ sự can nhiễu từ bên ngoài, đưa ra quyết định đúng đắn, xuất phát từ đại cục quan hệ song phương và lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước”.
Phát biểu trên được Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng thống Panama Jose Raul Mulino ngày 6/2 thông báo Đại sứ nước này tại Bắc Kinh đã gửi công hàm hủy thỏa thuận tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Động thái gửi công hàm rút khỏi BRI diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ gặp Tổng thống Panama. Sau cuộc gặp, ông Mulino thông báo nước này sẽ nghiên cứu kết thúc sớm thỏa thuận. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó tuyên bố sẵn sàng “dùng biện pháp mạnh” để giành quyền quản lý kênh đào Panama với cáo buộc “Trung Quốc đang kiểm soát” tuyến đường thủy chiến lược này.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 5/2, ông Lâm Kiếm từng phản đối các tuyên bố của ông Trump về kênh đào Panama và gọi đây là những “phát biểu vô trách nhiệm”. Trước đó, hồi cuối tháng 1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh từng khẳng định, Bắc Kinh không tham gia vào việc quản lý và vận hành kênh đào, “chưa từng can thiệp” vào công việc liên quan đến kênh đào này hay chủ quyền của Panama. Bà nhấn mạnh, Trung Quốc công nhận kênh đào nối liền Thái Bình Dương - Đại Tây Dương là “tuyến đường thủy quốc tế trung lập vĩnh viễn”.
Được biết, Panama và Trung Quốc ký bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (SREB) và Con đường Tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21 (MSR) vào tháng 11/2017. Vào thời điểm đó, Panama vừa thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hồi tháng 6, sau khi cắt quan hệ với Đài Loan và là nước đầu tiên ở Mỹ Latin tham gia BRI.