Đề xuất thí điểm Viện Kiểm sát Nhân dân khởi kiện vụ án dân sự

Đề xuất thí điểm Viện Kiểm sát Nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Phiên thảo luận chiều 16/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên thảo luận chiều 16/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục phiên họp thứ 44, chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát Nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Theo dự thảo nghị quyết, có 2 trường hợp viện kiểm sát khởi kiện.

Một là, qua tiếp nhận các nguồn thông tin và đã tiến hành kiểm tra, xác minh theo quy định tại nghị quyết này, Viện Kiểm sát xác định được hành vi xâm phạm quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công; sau khi đã thông báo cho các chủ thể có liên quan và kiến nghị với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền khởi kiện nhưng không có chủ thể nào khởi kiện thì Viện Kiểm sát khởi kiện.

Hai là, trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc theo thẩm quyền, Viện Kiểm sát phát hiện có hành vi xâm phạm quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công nhưng không thể giải quyết trong cùng vụ án, vụ việc đó; sau khi đã thông báo cho các chủ thể có liên quan và kiến nghị với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền khởi kiện nhưng không có chủ thể nào khởi kiện thì Viện Kiểm sát khởi kiện.

Về thẩm quyền tòa án xét xử vụ án dân sự công ích, khoản 1 điều 5 quy định Tòa án khu vực có thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm vụ án dân sự công ích là Tòa án nơi xảy ra hành vi vi phạm hoặc nơi xảy ra hậu quả thiệt hại hoặc nơi cư trú của cá nhân, nơi có trụ sở chính của tổ chức là bị đơn. Nếu đối tượng bị xâm hại là bất động sản thì Tòa án có thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm là Tòa án nơi có bất động sản.

Trường hợp vụ án dân sự công ích được phát hiện qua nguồn thông tin tại khoản 3 Điều 10 Nghị quyết này (Viện Kiểm sát phát hiện qua vụ án, vụ việc khác) thì Tòa án có thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm là Tòa án khu vực đã hoặc đang giải quyết vụ án, vụ việc đó, trường hợp Viện Kiểm sát phát hiện qua giải quyết vụ án, vụ việc ở cấp tỉnh hoặc cấp trung ương thì thẩm quyền thực hiện theo quy định tại khoản 1 nói trên.

Với thẩm quyền khỏi kiện vụ án dân sự công ích, dự thảo quy định Viện kiểm sát khu vực tương ứng với Tòa án khu vực có thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm vụ án dân sự công ích thực hiện việc khởi kiện vụ án dân sự công ích.

Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc vụ án phức tạp, quy mô, giá trị thiệt hại lớn hoặc xảy ra trên địa bàn nhiều khu vực, nhiều tỉnh hoặc có yếu tố nước ngoài, thì Viện Kiểm sát cấp tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khởi kiện hoặc phân công cho Viện Kiểm sát cấp dưới thực hiện khởi kiện vụ án dân sự công ích.

Nguồn thông tin của vụ án dân sự công ích, theo dự thảo gồm: thông tin do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến Viện Kiểm sát; thông tin được phản ánh từ phương tiện truyền thông hoặc dư luận xã hội; Viện Kiểm sát phát hiện qua vụ án, vụ việc khác; nguồn thông tin hợp pháp khác.

Theo dự kiến, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và được thực hiện trong 3 năm tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Thường trực cơ quan thẩm tra cũng cơ bản tán thành với quy định về thẩm quyền khởi kiện của Viện Kiểm sát Nhân dân. Tuy nhiên, để tăng cường tính minh bạch và thuận lợi cho quá trình thực hiện, đề nghị nghiên cứu quy định tách bạch thẩm quyền của Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh và thẩm quyền của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong việc khởi kiện vụ án dân sự công ích, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát Nhân dân và các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, ông Tùng cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, để phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của việc thí điểm, chỉ nên giao thẩm quyền cho Viện Kiểm sát Nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích, còn quá trình tố tụng cần tuân thủ trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành về quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, về thẩm quyền của Tòa án...

Do đó, việc dự thảo Nghị quyết quy định thẩm quyền của Viện Kiểm sát Nhân dân trong việc kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của Tòa án là không phù hợp.

Ngoài ra, ông Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định nhằm tách bạch vai trò của Viện Kiểm sát Nhân dân với tư cách nguyên đơn và vai trò là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp.

Sau thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất nội dung dự thảo nghị quyết và báo cáo thẩm tra. Ông Định đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tiếp thu ý kiến tại phiên họp, lấy ý kiến Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín tới.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-thi-diem-vien-kiem-sat-nhan-dan-khoi-kien-vu-an-dan-su-d268814.html
Zalo