Đề xuất thí điểm liên thông thủ tục cấp giấy phép cho lao động nước ngoài tại Việt Nam
Việc thí điểm sẽ áp dụng cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam ở 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đề xuất thí điểm liên thông thủ tục cấp giấy phép cho lao động nước ngoài tại Việt Nam
Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp thủ tục cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, ngày 28/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 206/QĐ- TTg về việc phê duyệt danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024.
Tuy nhiên, do sự khác biệt trong quy định pháp luật của hai thủ tục hành chính về đối tượng thực hiện thủ tục hành chính, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, thẩm quyền nơi cấp và trả kết quả thủ tục hành chính nên việc liên thông hai thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu do hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp thực hiện theo Luật lý lịch tư pháp, và các văn bản hướng dẫn quy định cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Trong khi đó, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động thực hiện theo Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn, quy định người sử dụng lao động thực hiện thủ tục hành chính đề nghị cấp giấy phép lao động. Vì vậy, chưa có sự kết nối các thủ tục hành chính với nhau do khác đối tượng thực hiện thủ tục hành chính.
Để khắc phục các nhược điểm trên và liên thông hai thủ tục mà không cần sửa quy định của pháp luật, thực hiện liên thông thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp giấy phép lao động thì không cần sửa đổi các quy định của pháp luật. Đồng thời, có thể thực hiện trên môi trường mạng mà không cần có cơ sở dữ liệu định danh, và xác thực điện tử của người nước ngoài.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thí điểm liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp thủ tục cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, và cấp phiếu lý lịch tư pháp tại 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Việc này nhằm triển khai thực hiện liên thông thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp giấy phép lao động không cần sửa đổi các quy định của pháp luật được nhanh chóng, kịp thời đảm bảo việc liên thông hai thủ tục hành chính sớm được triển khai.