Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí...
Sáng 21/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí; cán bộ công chức, viên chức các Sở Thông tin và Truyền thông.
Tại Hội nghị, theo nhiều chuyên gia, tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam đã, đang gây ra những gánh nặng lớn về bệnh tật và tử vong, đe dọa sự phát triển kinh tế - xã hội. Thạc sĩ Phan Thị Hải - Phó giám đốc phụ trách Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế - cho biết tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm; hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Sử dụng thuốc lá tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Trong đó, hơn 15 triệu người Việt Nam hút thuốc và hàng chục triệu người hút thuốc thụ động có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm. Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá sẽ rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi những người hút thuốc hiện nay phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chia sẻ, năm 2010, tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc lá là 47%, đến năm 2015 là 45%, năm 2021 là 41%, tuy nhiên ước tính hiện nay tỉ lệ này bắt đầu đi lên nếu không có biện pháp can thiệp về thuế. Con số này có thể tăng lên 43% vào năm 2030, điều này thể hiện qua sản lượng sản xuất và tiêu dùng tăng lên. Các biện pháp kiểm soát (như in cảnh báo bằng hình ảnh, truyền thông, tăng thuế, môi trường không thuốc lá…) đã phát huy tác dụng ở mức nhất định nhưng chưa đủ.
Một yếu tố dẫn tới tình trạng tỉ lệ sử dụng thuốc lá vẫn ở mức cao như hiện nay là thuế thuốc lá và giá bán lẻ ở Việt Nam cực kỳ thấp so với các nước thu nhập trung bình khác trên thế giới cũng như ngay trong khu vực ASEAN. Mức tăng thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam trong thời gian qua là quá thấp so với mức tăng trưởng thu nhập theo đầu người, làm cho thuốc lá trở nên ngày càng rẻ và dễ mua hơn theo thời gian.
Tương tự, tỉ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá điếu của Việt Nam là khoảng 36% so với 59% ở các nước thu nhập trung bình và 62% trên toàn cầu, và thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO là 75% giá bán lẻ. Thuế thuốc lá, khi được sử dụng hiệu quả, là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm sử dụng thuốc lá. WHO ước tính rằng việc đánh thuế các sản phẩm thuốc lá để tăng giá bán lẻ lên 10% có thể làm giảm mức tiêu thụ từ 4 - 5%.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này và thông qua vào tháng 5/2025. Trong đó, theo đề xuất của Bộ Tài chính, mặt hàng thuốc lá có 2 phương án thì mức thuế tuyệt đối tính đến năm 2030 mới là 10.000 đồng/bao, chiếm tỉ trọng khoảng 59,38% giá bán lẻ. Tuy nhiên WHO đề xuất mức thuế tuyệt đối cao hơn và Bộ Y tế, mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao thuốc và đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030 bên cạnh thuế tỉ lệ 75%. Điều này sẽ giúp giảm được tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.
Theo WHO, khi giá thuốc lá tăng trung bình 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.
Đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho rằng tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam tuy có giảm vẫn còn ở mức cao, gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra ảnh hưởng đến các nỗ lực trong cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe. Trong bối cảnh đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao đối với thuốc lá là vô cùng cần thiết. Tăng thuế thuốc lá ở mức cao đủ để giảm tiêu dùng được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội.
Theo Ths. Nguyễn Anh Dương, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá giúp định hướng giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp cải thiện sức khỏe của người lao động, nâng cao năng suất lao động; giảm chi tiêu cho chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi tiêu cho giáo dục - đào tạo, tăng tiết kiệm để phục vụ hoạt động đầu tư - kinh doanh của chính hộ gia đình hoặc đối với nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng - tài chính. Đồng thời, bổ sung nguồn lực để Nhà nước có thể thực hiện các chương trình phát triển kinh tế bền vững...
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách & Phát triển cho rằng: Thuế đánh vào thuốc lá là một công cụ chính sách đặc biệt đem lại lợi ích kép, vừa làm giảm tiêu dùng thuốc lá, cải thiện sức khỏe của người dân, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh liên quan đến thuốc lá; đồng thời làm tăng nguồn thu ngân sách cho chính phủ. Lợi ích kép này đã được thừa nhận qua kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.
Dù tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá ở nhiều quốc gia trên thế giới, công cụ chính sách hiệu quả này hiện vẫn chưa được sử dụng đúng mức tại Việt Nam. Để giảm khả năng chi tiêu cho thuốc lá, Chính phủ cần tăng thuế, để sao cho ở mức tối thiểu giá thuốc lá tăng hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, tăng mức thuế tuyệt đối và thuế suất tỷ lệ đủ để tiến tới mức thuế đạt ít nhất 70-75% giá bán lẻ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giói. Thuế cũng cần tăng đều liên tục qua các năm để giảm sức mua nhằm đạt mục tiêu kép giảm được mức tiêu dùng thuốc lá trong cộng đồng và tăng ngân sách từ thuế.
Cũng tại hội nghị, các diễn giả đã tập trung chia sẻ về tình hình thực thi chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên thế giới và Việt Nam; cập nhật thông tin về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá; quan điểm về việc đánh thuế các sản phẩm thuốc lá mới.