'Cấm' thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Có khả thi?

Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động, 18.800 ca tử vong do các bệnh bởi phơi nhiễm khói thuốc thụ động... là những con số nhức nhối!

Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam xếp hạng thứ 15 về mức độ tiêu thụ thuốc lá với khoảng 15,3 triệu người hút thuốc trực tiếp. Đồng thời, hàng triệu người khác cũng phải chịu ảnh hưởng từ khói thuốc thụ động, trong đó trẻ em và phụ nữ là những nhóm dễ bị tổn thương nhất. Những hệ lụy về sức khỏe và chi phí xã hội từ việc hút thuốc lá là vô cùng nghiêm trọng, gây ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế quốc gia.

Chỉ ra mối nguy hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay, thạc sỹ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá - cho biết, thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản). Do vậy, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tử vong sớm.

Cụ thể, mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động, 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, nghĩa là tử vong sớm. Từ đó, sẽ làm ảnh hưởng đến quy mô, chất lượng lao động của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Thuốc lá điện tử gây hại cho sức khỏe tương tự thuốc lá đầu lọc. Nguồn ảnh: Freepik

Thuốc lá điện tử gây hại cho sức khỏe tương tự thuốc lá đầu lọc. Nguồn ảnh: Freepik

Theo khảo sát của Bộ Y tế, trên thị trường hiện nay có loại thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và loại lai giữa hai loại hình này. Với loại nung nóng, có thể dùng sợi thuốc lá, sợi cellulose để tẩm hóa chất rồi đốt nóng, tạo ra hương vị như thuốc lá. Ngoài nicotin, có hàng chục nghìn chất có thể tẩm ướp vào các sản phẩm này. Đáng nói, hiện nay, có thể mua bán các mặt hàng này rất dễ, giá rất rẻ, đặc biệt, không hiếm quanh các trường học.

Có thể thấy, việc hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên đang gia tăng như một "nạn dịch" và cần được ngăn ngừa khẩn cấp. Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 ở người trưởng thành cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 - 24 tuổi. Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm học sinh từ 13 - 17 tuổi cũng tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023…

Thực tế cho thấy, thuốc lá là ngành kinh doanh có điều kiện, được quy định rất rõ trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, cũng như trong Nghị định 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thời gian qua, vẫn còn tồn tại khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do chưa được định nghĩa trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản pháp luật có liên quan.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã từng đề xuất "cấm thuốc lá điện tử". Nhấn mạnh về nội dung này tại Chương trình Quốc hội Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, qua lấy ý kiến của các bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Do đó, Bộ trưởng Y tế kiến nghị, cần có nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được Quốc hội xem xét và sửa đổi trong thời gian tới.

Cũng tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đồng tình với đề xuất này của Bộ Y tế và thống nhất, đây là sản phẩm có hại với sức khỏe thì phải cấm. Bên cạnh đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải có giải pháp quản lý, "siết" mạnh thuốc lá điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, thời gian qua bộ đã kiên trì đề xuất sớm ban hành khuôn khổ pháp lý để cấm sản phẩm này.

Và theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, giải pháp căn cơ là Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách quản lý chặt chẽ, rõ ràng đối với loại sản phẩm này để khắc phục khoảng trống pháp lý. Ngoài ra, về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cần sớm sửa đổi hay ban hành một luật mới làm cơ sở cho các cấp, ngành cùng vào cuộc để xử lý triệt để vấn đề.

Bên cạnh việc các bộ, ngành đề xuất "cấm" thuốc lá điện tử, tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đề xuất đến nội dung tính thuế cao đối với loại thuốc lá mới này. Có rất nhiều ý kiến đồng tình cũng như không ít các hội thảo đề cập, cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định là một công cụ quan trọng nhằm kiểm soát tỷ lệ sử dụng các mặt hàng này. Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đóng vai trò trong việc kiềm chế tỷ lệ tiêu dùng mà còn tạo ra một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nhất quán với đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trên cơ sở đánh giá của Hiệp hội kinh tế y tế, nếu thu được một đồng thuế liên quan tới các loại thuế này, chúng ta phải mất 5 đồng để giải quyết các vấn đề liên quan tới sức khỏe, chưa kể các hệ lụy gây ra đối với sức khỏe tinh thần, thể chất của người dân.

Thiết nghĩ, sức khỏe con người là vốn quý và hơn hết, đại đa số đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử lại là thanh thiếu niên - lực lượng xung kích của đất nước. Hơn thế nữa, việc bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho các em cũng là bảo vệ "tài sản" của quốc gia. Do đó, dẹp nạn thuốc lá điện tử ngoài sự quyết liệt từ chính sách, cần sự chung tay không chỉ của mỗi nhà trường, gia đình mà của toàn xã hội...

Kim Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cam-thuoc-la-dien-tu-thuoc-la-nung-nong-co-kha-thi-360077.html
Zalo