Đề xuất tăng thuế thuốc lá 15.000 đồng/bao
Việt Nam cần áp dụng thuế tuyệt đối từ mức 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần lên 15.000 đồng/bao đến năm 2030.
Đề xuất được các chuyên gia đưa ra tại chương trình tập huấn "Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường" do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức ngày 23/4.
Theo bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó 69 chất gây ung thư, là nguyên nhân của ít nhất 25 loại bệnh, gồm ung thư, tim mạch, bệnh về hô hấp và sinh sản.

Bà Phan Thị Hải, phó giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế. (Ảnh: Như Loan)
Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 104.300 ca tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó hơn 85.000 người hút thuốc chủ động và gần 19.000 người tử vong do hút thuốc thụ động.
Đáng chú ý, phần lớn nạn nhân tử vong vì thuốc lá đều ở độ tuổi lao động, gây tổn thất lớn cho lực lượng lao động và nền kinh tế.
Ước tính của Hội Kinh tế y tế Việt Nam năm 2022 cho thấy, tổng chi phí liên quan đến điều trị bệnh, mất sức lao động và tử vong sớm do thuốc lá lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,14% GDP, cao gấp năm lần so với khoản thu ngân sách từ thuế thuốc lá.
Mặc dù tác hại thuốc lá được cảnh báo nhiều năm, nhưng Việt Nam vẫn duy trì mức thuế tiêu thụ đặc biệt thấp. Từ năm 2008 đến 2019, nước ta chỉ ba lần điều chỉnh thuế, với mỗi lần tăng chỉ 5%, trong khi thị trường vẫn xuất hiện khoảng 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá dưới 10.000 đồng một bao. Thậm chí nhiều loại chỉ bán với giá 7.000 – 8.000 đồng.
Theo bà Hải, giá thuốc thấp khiến sản phẩm dễ tiếp cận với người thu nhập thấp, người mới hút và cả trẻ vị thành niên.
Dữ liệu thống kê cho thấy, dù thuế tăng nhẹ, sản lượng tiêu thụ thuốc lá vẫn không giảm. Năm 1994, người tiêu dùng phải dùng 31% thu nhập năm để mua 100 bao thuốc, nhưng đến năm 2017, chỉ cần chi 5,2% thu nhập là có thể mua được số lượng tương tự.
“Để giảm hiệu quả tỷ lệ người hút thuốc, việc cải cách chính sách thuế là điều cần thiết, không chỉ để nâng giá thuốc mà còn buộc thu nhập không còn là yếu tố quyết định khả năng tiếp cận sản phẩm độc hại này”, bà Hải nói.

Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. (Ảnh: Như Loan)
TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển, nhận định giá thuốc rẻ khiến các chính sách kiểm soát trở nên kém hiệu quả. Trong khi đó, chi tiêu cho thuốc lá đang chiếm chỗ của các khoản thiết yếu, đặc biệt ở nhóm hộ nghèo.
Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn đề xuất coi thuế thuốc lá như chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Việt Nam cần áp dụng thuế tuyệt đối từ mức 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần lên 15.000 đồng/bao đến năm 2030. Mục tiêu là xây dựng hệ thống thuế hỗn hợp và nâng thuế thuốc lá lên mức tương đương 75% giá bán lẻ – tiêu chuẩn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Các nghiên cứu cho thấy, tăng thuế và giá thuốc lá là giải pháp mang lại tới 60% hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Đặc biệt, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá sẽ mang lại thêm trên 29.000 tỷ đồng vào năm 2030.