Đề xuất tăng thẩm quyền cho trưởng công an xã khi bỏ công an cấp huyện
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự bổ sung quy định điều tra viên là Trưởng công an cấp xã có thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng trên địa bàn cấp xã.
Sáng 20/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Media Quốc hội.
Cụ thể, bổ sung quy định điều tra viên trung cấp trở lên (của Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh) là Trưởng Công an, Phó trưởng Công an cấp xã (được Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh phân công) có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi không tổ chức công an cấp huyện.
Sửa đổi một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền tố tụng của hệ thống VKSND, TAND từ 4 cấp còn 3 cấp. Quy định TAND khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù, trừ một số trường hợp án nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền truy tố, xét xử của VKSND, TAND cấp tỉnh.
Bổ sung thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND cấp tỉnh đối với bản án có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực. Đối với thẩm quyền truy tố, xét xử của VKS, Tòa án quân sự giữ nguyên.
Bổ sung trình tự, thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt; Sửa đổi trình tự, thủ tục thi hành án tử hình theo hướng bổ sung thời hạn xem xét quyết định ân giảm và thời hạn tòa án quyết định hoãn thi hành án 2 năm khi có căn cứ…
Ngoài ra, VKSND Tối cao đang phối hợp với Bộ Công an để tiếp thu ý kiến về việc bổ sung chữ ký điện tử và số hóa hồ sơ vụ án vào dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với đề nghị của Bộ Công an liên quan đến việc dẫn độ, VKSND Tối cao đã có công văn gửi Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, quy định về trình tự, thủ tục bắt người theo yêu cầu của nước ngoài để dẫn độ trong dự thảo Luật Dẫn độ, bảo đảm phù hợp phạm vi điều chỉnh của các luật và theo quy định pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
Trong Tờ trình, VKSND Tối cao cũng kiến nghị hiệu lực thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự từ ngày 1/7/2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Media Quốc hội.
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tương tự như nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Qua đó, đáp ứng chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Tuy nhiên, cần rà soát kỹ lưỡng các quy định để sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhóm chủ thể này khi tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, sao cho bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, khả thi.
Về thẩm quyền xét xử của TAND khu vực, Ủy ban cơ bản tán thành việc giao TAND khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án hình sự.
Điều này phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền, tránh dồn án lên cơ quan tố tụng cấp trên, nhất là dồn án lên cơ quan tố tụng cấp trung ương.