Đề xuất tăng số phó chủ tịch UBND quận, phường cho Hải Phòng

Chính phủ đề xuất tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng theo hướng tinh gọn, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt; không tổ chức HĐND ở quận, phường; tăng 1 phó chủ tịch UBND quận.

Không tổ chức HĐND ở quận, phường

Chiều 9/10, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.

Trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mô hình chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng được tổ chức theo hướng tinh gọn, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị; đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố theo hướng năng động, sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Mô hình này còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp và chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố; huy động nguồn lực cho sự phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Chính quyền địa phương ở TP Hải Phòng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND thành phố và UBND thành phố. Còn chính quyền địa phương ở các quận, phường của TP Hải Phòng là UBND quận, phường (không có HĐND quận, phường).

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP Hải Phòng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND quận, phường), nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố tăng lên do được điều chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, HĐND phường.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, để phát huy hiệu quả việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là chức năng giám sát của HĐND TP Hải Phòng, cần thiết phải tăng thêm số lượng đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách.

Trên cơ sở đó, dự thảo nghị quyết quy định: Thường trực HĐND thành phố gồm có chủ tịch HĐND, 2 phó chủ tịch HĐND và các ủy viên là Trưởng ban của HĐND thành phố. Ban của HĐND thành phố gồm trưởng ban, 2 phó trưởng ban và các ủy viên.

Theo lý giải của Chính phủ, việc tăng thêm đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hải Phòng sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ giám sát, công tác thẩm tra, tham mưu giúp thường trực và HĐND thành phố.

Số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tăng thêm được bố trí từ số biên chế giảm do không bố trí các chức danh chuyên trách HĐND quận, phường (103 người), do vậy không phát sinh tổng biên chế.

Vừa qua, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025 của TP Hải Phòng, trong đó có thành lập TP Thủy Nguyên thuộc TP Hải Phòng (mô hình thành phố trực thuộc thành phố).

Vì vậy, Chính phủ đề nghị tăng thêm 1 phó chủ tịch HĐND và thành lập Ban Đô thị của HĐND TP Thủy nguyên thuộc TP Hải Phòng.

Quang cảnh phiên họp chiều nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp chiều nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, thành phố này cũng được tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách để bố trí các chức danh trưởng ban, phó trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị của HĐND thành phố thuộc TP Hải Phòng (có 2 phó chủ tịch và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách).

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị bố trí số lượng phó chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố có không quá 4 người (tăng 1 so với quy định); số lượng phó chủ tịch UBND quận có không quá 3 người và số lượng phó chủ tịch UBND phường không quá 2 người.

Số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và phó chủ tịch UBND tăng thêm được bố trí từ số biên chế giảm do không bố trí các chức danh chuyên trách HĐND quận, phường (103 người) nên không phát sinh tổng biên chế trong hệ thống chính trị của TP Hải Phòng.

Làm rõ cơ sở tăng số lượng phó chủ tịch UBND quận, phường

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết này.

Việc quy định về mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để thực hiện ngay mà không cần thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình bảo đảm đầy đủ theo quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ cơ sở của việc đề nghị tăng số lượng phó chủ tịch UBND quận, phường để tăng tính thuyết phục vì quy định này chưa phù hợp với chủ trương về giảm số lượng cấp phó và chưa thực sự tương đồng với một số địa phương khác cũng đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Đề nghị nghiên cứu, tham khảo quy định về số lượng phó chủ tịch UBND quận, phường tại các địa phương đã được Quốc hội cho phép thực hiện mô hình chính quyền đô thị để có quy định phù hợp với quy mô, tính chất đô thị của Hải Phòng.

Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các quy định tại các Nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền tại TP Đà Nẵng và TP.HCM để chỉnh lý, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường.

Cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát các quy định về HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của nghị quyết này.

Theo đó, nếu bổ sung các quy định đặc thù cho HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố khác với các đơn vị hành chính đô thị cấp huyện khác thì cần có thêm các lập luận, lý do và cần làm rõ việc bổ sung này chỉ áp dụng đối với TP Thủy Nguyên khi được thành lập hay áp dụng đối với tất cả thành phố thuộc TP Hải Phòng (mà sau này có thể được thành lập).

Trường hợp chỉ áp dụng đối với TP Thủy Nguyên thì nên dừng ở mức thí điểm thực hiện tương tự như với TP Thủ Đức.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-tang-so-pho-chu-tich-ubnd-quan-phuong-cho-hai-phong-192241009174934797.htm
Zalo