Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (NT,NDT) trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành xóa NT,NDT 47,56% kế hoạch (KH) năm 2024. Để hoàn thành chỉ tiêu giao trong năm 2024, các cấp, ngành, địa phương cần khẩn trương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.

Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh giải ngân 341 tỷ 113 triệu đồng hỗ trợ 8.799/16.627 hộ xóa NT,NDT. Riêng năm 2024, UBND tỉnh giao 255,6 tỷ đồng cho các huyện thực hiện hỗ trợ xóa NT,NDT cho 7.121 hộ. Đến cuối tháng 10/2024, các huyện thực hiện hỗ trợ 3.387 hộ, đạt 47,56% chỉ tiêu giao, với kinh phí hỗ trợ 107 tỷ 680 triệu đồng, đạt 42,13% chỉ tiêu vốn giao. Trong đó, huyện Hòa An có tỷ lệ hoàn thành và giải ngân cao nhất hỗ trợ xóa 234/246 nhà, đạt 95,12% KH; giải ngân kinh phí hỗ trợ 6 tỷ 982 triệu đồng, đạt 83,82% KH. Huyện Hạ Lang mới hỗ trợ xóa 46/448 nhà, đạt 10,3% KH, giải ngân kinh phí hỗ trợ 4,8 tỷ đồng, đạt 27,3% KH; huyện Quảng Hòa hỗ trợ xóa 12/70 nhà, đạt 17,14% KH, giải ngân kinh phí hỗ trợ 498 triệu đồng, đạt 19% KH...

Trên địa bàn tỉnh hiện còn 1.022 hộ gia đình hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí. Tập trung tại các huyện: Hạ Lang 106 nhà, Trùng Khánh 169 nhà, Thạch An 170 nhà, Hà Quảng 179 nhà, Bảo Lạc 113 nhà, Bảo Lâm 148 nhà, Nguyên Bình 137 nhà…

Nguyên nhân tiến độ triển khai chương trình chưa đạt yêu cầu do công tác tuyên truyền, vận động, bám nắm thông tin cơ sở của nhiều huyện chưa thường xuyên, sâu sát. Một số chính quyền cấp xã chưa nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tiến độ và thực tế triển khai việc xây mới, sửa chữa của các hộ gia đình; chưa rà soát, thống kê đầy đủ hiện trạng nhà ở, đất đai và các điều kiện liên quan khi người dân bắt đầu đăng ký nhu cầu hỗ trợ, dẫn tới tình trạng số lượng các hộ vướng mắc về đất đai còn khá lớn, đã hoàn thành việc xây mới, sửa chữa nhưng chưa nhận được kinh phí hỗ trợ, làm chậm tiến độ giải ngân chung của chương trình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bích Ngọc kiểm tra việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Quang Thành (Nguyên Bình).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bích Ngọc kiểm tra việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Quang Thành (Nguyên Bình).

Toàn tỉnh hiện còn 5.218 trường hợp vướng mắc về đất đai như xây nhà trên đất trồng lúa nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ); đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ; đất chưa thực hiện thủ tục tách thửa, hợp thửa, chưa thực hiện thủ tục chuyển nhượng, tặng cho; đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, chưa có trong bản đồ địa chính; vị trí xây nhà không phù hợp với quy hoạch SDĐ hoặc quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn mới được cấp có tham quyền phê duyệt. Trong đó, 638 hộ vướng mắc về đất rừng (xây nhà trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng); 14 hộ vướng về hành lang giao thông; 36 hộ xây nhà trên đất thuộc địa giới hành chính huyện khác. Các trường hợp này tập trung ở Thạch An 1.114 hộ, Hạ Lang 987 hộ, Hà Quảng 937 hộ, Nguyên Bình 785 hộ, Bảo Lâm 497 hộ, Hòa An 469 hộ…

Một vấn đề khác là việc tổng hợp, rà soát đối tượng hỗ trợ của các huyện chưa đảm bảo đầy đủ, dẫn tới còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở nhưng chưa được rà soát, đưa vào đối tượng hỗ trợ của chương trình. Công tác tổng hợp số liệu của một số địa phương còn chậm, chưa chính xác, chưa phân loại đúng đối tượng theo nguồn vốn hỗ trợ, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân chung của chương trình. Một số đơn vị tài trợ có yêu cầu chi tiết, khắt khe về đối tượng hỗ trợ, hình thức, thời gian xây dựng nhà ở, giấy tờ về đất đai… dẫn đến một số hộ không đáp ứng được yêu cầu.

Các huyện kiến nghị, đề xuất tỉnh cho ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp vướng mắc về đất đai, hành lang giao thông, xây nhà trên địa giới hành chính thuộc huyện, xã khác; hỗ trợ kinh phí, máy móc, thiết bị đo đạc địa chính, trích đo tách thửa cho 380 hộ, trong đó, huyện Thạch An 183 hộ, Hạ Lang 142 hộ, Nguyên Bình 55 hộ; Xem xét, bố trí nguồn vốn xã hội hóa hỗ trợ cho các hộ đã làm xong nhà, các hộ không thuộc đề án của tỉnh. Có giải pháp, cơ chế đặc thù miễn tiền xử phạt hành chính đối với các hộ gia đình tự ý chuyển đổi mục đích SDĐ theo Nghị định số 123/2024/NĐ- CP ngày 4/10/2024. Cụ thể, huyện Hòa An đề nghị UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục phân bổ 1 tỷ 292,8 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa cho các hộ chưa được hỗ trợ và 68 hộ chưa được hỗ trợ đủ theo Quyết định số 114/QĐ-UBND của UBND tỉnh; tiếp tục hỗ trợ huyện kêu gọi thêm các nguồn xã hội hóa để đảm bảo thực hiện hoàn thành đề án đến năm 2025 với nhu cầu kinh phí còn thiếu hơn 6 tỷ đồng cho 144 nhà. Cho ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp vướng mắc về đất đai vượt quá thẩm quyền giải quyết của cấp huyện.

Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình, một số người dân xã Thái Cường (Thạch An) bổ sung thêm kinh phí thực hiện kiên cố nhà của gia đình.

Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình, một số người dân xã Thái Cường (Thạch An) bổ sung thêm kinh phí thực hiện kiên cố nhà của gia đình.

Trên địa bàn huyện Bảo Lạc còn gần 300 hộ còn ở NT,NDT, do chưa rõ ràng về nguồn vốn hỗ trợ, các gia đình lo khi xây dựng xong sẽ chưa có kinh phí hỗ trợ kịp thời nên quyết định không thực hiện xây dựng nhà ở. Để có phương hướng chỉ đạo thực hiện trong năm 2025, đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh cho ý kiến bằng văn bản đối với vấn đề này, qua đó là cơ sở để Ban Tổ chức huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thông tin, tuyên truyền đối với các hộ này việc thực hiện chương trình trong năm 2025.

Đối với các thủ tục vướng mắc về đất đai, huyện Hà Quảng đề xuất UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn áp dụng cụ thể về điều kiện, tiêu chí chuyển mục đích SDĐ trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất để có căn cứ giải quyết thủ tục chuyển mục đích SDĐ thi hành theo Luật Đất đai 2024 và các nghị định của Chính phủ đã ban hành. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể việc áp dụng quy định tại khoản 5, Điều 116 Luật Đất đai 2024 để có cơ sở thẩm định, xem xét, giải quyết các hồ sơ chuyển mục đích SDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân. Đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành sớm ban hành quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa, diện tích tối thiểu được phép tách thửa để UBND huyện có căn cứ tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân chấp hành khi thực hiện thủ tục tách thửa để giải quyết các hồ sơ về đất đai có liên quan. UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện cụ thể việc áp dụng quy định thực hiện thủ tục đăng ký chuyển quyền SDĐ đồng thời với thủ tục chuyển mục đích SDĐ theo quy định của Luật Đất đai 2024 để địa phương có căn cứ, cơ sở triển khai, hướng dẫn các đối tượng thực hiện. UBND tỉnh sớm ban hành văn bản quy định hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương theo quy định tại Khoản 3, Điều 177 Luật Đất đai 2024 để địa phương có cơ sở xác định đúng đối tượng được hỗ trợ chương trình xóa NT,NDN trước khi thực hiện xây dựng nhà ở…

Minh Ngọc

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/can-day-nhanh-tien-do-thuc-hien-ho-tro-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-3173613.html
Zalo