Đề xuất tăng số lượng thẩm phán tòa tối cao tối đa 27 người
Tòa án nhân dân Tối cao đề xuất tăng số lượng thẩm phán từ 13 - 17 người lên thành từ 23 - 27 người để đảm bảo nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc tăng thêm.
Không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao, cấp huyện
Chiều 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình cho biết, dự thảo này sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống tòa án theo hướng không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện.
Cùng đó, thành lập Tòa án nhân dân khu vực; chuyển các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực.

Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình. (Ảnh: Media Quốc hội).
Mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: Tòa án nhân dân Tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân khu vực.
Trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống tòa án ba cấp, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các tòa án cũng được sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, Tòa án nhân dân Tối cao được bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
Tăng số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao từ 13 - 17 người lên thành từ 23 - 27 người.
"Việc tăng số lượng sẽ đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ Tòa án nhân dân cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội", ông Tiến nói.
Phó chánh án giải thích thêm theo thống kê, trung bình mỗi năm, Tòa án nhân dân Tối cao giải quyết 2.800 đơn(vụ)/3.400 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền; giải quyết, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 200 vụ/năm.
Ba Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết 6.500 đơn (vụ)/7.900 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền; giải quyết, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 800 vụ.
Như vậy, sau khi tiếp nhận một phần nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa án nhân dân cấp cao, dự báo Tòa án nhân dân tối cao sẽ phải giải quyết khoảng 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm/năm; xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 1.000 vụ/năm.
Với khối lượng công việc như vậy, đòi hỏi phải tăng số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đượcsửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ xét xử sơ thẩm theo hướng Tòa án nhân dân cấp tỉnh xử sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định của luật…
Với Tòa án nhân dân khu vực,dự thảo luật cơ cấu lại các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành Tòa án nhân dân khu vực.
Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực được bổ sung theo hướng: một số Tòa án nhân dân khu vực thành lập Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Băn khoăn đề xuất tăng thẩm phán
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu góp ý cụ thể vào một số vấn đề.
Về tổ chức Tòa án nhân dân, Ủy ban tán thành quy định như dự thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Media Quốc hội).
Song, về số lượng thẩm phán, Ủy ban đề nghị cân nhắc thận trọng việc tăng số lượng thành viên để phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Theo đó, thay vì tăng số lượng thẩm phán, cần bổ sung, tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức, thẩm phán làm công tác tham mưu giải quyết án.
Nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; nghiên cứu, sửa đổi quy định giám đốc thẩm tại các luật tố tụng để quy định chặt chẽ điều kiện nộp đơn, căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tránh khiếu nại không có điểm dừng, dồn việc lên Tòa tối cao.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung. (Ảnh: Media Quốc hội).
Một số ý kiến khác tán thành đề xuất tăng số lượng thẩm phán với các lý do đã nêu trong tờ trình.
Song, thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Việc tăng số lượng là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương của Đảng. Do đó đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo quy định.
Sau khi lắng nghe ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết hồ sơ dự án luật đủ điều kiện trình kỳ họp thứ 9, tán thành các nội dung tổ chức hệ thống tòa án ba cấp; cơ bản ủng hộ tăng số lượng thẩm phán lên 27 người....
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo tính thống nhất.