Đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên 80% ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác trong các cơ sở giáo dục công lập, trong đó đề xuất mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non.

Cụ thể, mức phụ cấp 45% áp dụng đối với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy trong các trường mầm non thuộc xã khu vực I, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.

Mức phụ cấp 80% áp dụng đối với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, đối với giáo viên mầm non, tăng phụ cấp từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên 80% ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm phản ánh đúng mức độ phức tạp và áp lực công việc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 6 tuổi, đây là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Ở độ tuổi này, trẻ hiếu động, sự tập trung chú ý chưa cao, nên giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian để xây dựng các bài giảng linh hoạt, sáng tạo, thu hút được sự chú ý của trẻ.

Bên cạnh đó, giáo viên mầm non làm việc theo chế độ 6 giờ/ngày, nhưng thực tế với đặc thù nghề nghiệp và yêu cầu của cha mẹ trẻ, giáo viên mầm non thường phải đón trẻ từ sớm và trả trẻ muộn (cá biệt có trường hợp giáo viên làm việc trực tiếp ở trường từ 6h30 đến 18h00, tức là thời gian làm việc thực tế có thể lên đến 9 - 10 giờ). Chỉ cần còn 01 trẻ ở trường, giáo viên cũng phải đợi phụ huynh đến đón thì mới có thể về.

Mặt khác, đối với trẻ em ở độ tuổi mầm non, phụ huynh kỳ vọng nhiều về sự quan tâm, chăm sóc của giáo viên mầm non hơn so với phụ huynh các cấp học khác.

Do vậy, so với giáo viên các cấp học khác, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực hơn từ hoạt động nghề nghiệp, kỳ vọng của gia đình trẻ em và xã hội. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên.

Mặc dù hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non có tính đặc thù và mức độ phức tạp cao hơn so với giáo viên các cấp học khác, nhưng thu nhập của giáo viên mầm non so với các cấp học khác hiện đang thấp nhất. Cụ thể theo bảng sau:

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, có 7.215 nhà giáo nghỉ việc, chuyển việc.

Trong số 7.215 giáo viên nghỉ việc, số giáo viên mầm non bỏ việc là 1.600 người, chiếm tỷ lệ 22%.

Đồng thời, tỷ lệ giáo viên bỏ việc ở tuổi dưới 35 còn nhiều và chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, nơi mà yêu cầu mức sống cao hơn so với các vùng khác và nhà giáo có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn...

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-tang-phu-cap-uu-dai-doi-voi-giao-vien-mam-non-119250514055723044.htm
Zalo