Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính

Chính phủ đề xuất cho phép 6 thành phố trực thuộc Trung ương tăng gấp đôi mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính so với mức phạt chung

Sáng 15-5, Quốc hội (QH) nghe Chính phủ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những điểm mới là mở rộng phạm vi khu vực được áp dụng mức phạt tiền vi phạm hành chính cao hơn bình thường ở các thành phố trực thuộc Trung ương.

Đề xuất được bán phương tiện vi phạm bị tạm giữ

Theo tờ trình của Chính phủ, sửa đổi điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa. Theo đó, tăng từ 250.000 đồng lên 1 triệu đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2 triệu đồng đối với tổ chức. Đối với mức xử phạt, điều 23 quy định: Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2 tỉ đồng đối với tổ chức.

Đồng thời, dự thảo luật bổ sung một số lĩnh vực được áp dụng mức tăng gấp 2 lần với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương gồm: giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự - an toàn xã hội, văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và an toàn thực phẩm. Mức phạt tối đa vẫn không được vượt quá 2 lần so với quy định chung hiện hành.

Chính phủ cũng đề xuất bổ sung một số lĩnh vực mới vào phạm vi xử phạt vi phạm hành chính, như: khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (mức phạt tối đa 30 triệu đồng); công nghiệp công nghệ số, dữ liệu (tối đa 100 triệu đồng); quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo (tối đa 500 triệu đồng). Riêng lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ được điều chỉnh theo luật chuyên ngành riêng.

Đại biểu Trần Kim Yến phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: VĂN DUẨN

Đại biểu Trần Kim Yến phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: VĂN DUẨN

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về việc bổ sung một số lĩnh vực được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần, đồng thời, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Chính phủ đề xuất cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu hết thời hạn mà không có người đến nhận, hoặc không xác định được chủ sở hữu, người vi phạm, người quản lý. Việc bán sẽ áp dụng đối với phương tiện, tang vật có thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ khi hết thời hạn tạm giữ, dễ hư hỏng, có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Chính sách đặc biệt phải thật sự đặc biệt

Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của QH về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Thảo luận tại Đoàn TP HCM, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, đề nghị cần rà soát lại một số nội dung về cơ chế, chính sách đặc biệt trong dự thảo nghị quyết này, để xem xét có nên đưa vào hay không.

Theo bà Hạnh, thực tế, một số chính sách ở dự thảo đã có trong quy định hiện hành, tất cả các cơ quan, tổ chức phải tuân thủ, không có gì đặc thù, đặc biệt; ví dụ như "Kế hoạch, kết luận thanh tra và kiểm tra phải thực hiện công khai theo quy định của pháp luật"; hay quy định "bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội" đã được quy định tại điều 13 của Bộ Luật Tố tụng hình sự; hay khoản 5, điều 7 dự thảo nghị quyết quy định "việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi…", theo ĐB, đây là điều đương nhiên, không cần phải quy định tại nghị quyết này.

Theo ĐB Trần Kim Yến, các doanh nghiệp (DN) tư nhân tiếp cận dự thảo nghị quyết này, họ rất vui và hy vọng với những cú "hích" đột phá về chính sách để chúng ta có thể phát triển kinh tế tư nhân theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng. Phải làm sao cho đúng nguyên tắc: những gì tư nhân làm được thì Nhà nước không cần làm. Thay vào đó, chúng ta có những chính sách hỗ trợ để DN tư nhân làm và phát triển, vừa tạo công ăn việc làm cho xã hội, Nhà nước vừa thu được thuế.

Dẫn chứng cho điều này, bà Yến lấy ví dụ việc giao thu phí giữ ô tô trên các tuyến đường ở thành phố. "Mọi thứ có sẵn hết rồi và Nhà nước giao cho làm nhưng không những không thu được lợi nhuận mà còn lỗ. Trong khi đó nếu giao cho tư nhân làm thì thu được thuế nhiều lắm" - bà Yến nói.

Về vấn đề môi trường kinh doanh, ĐB Trần Kim Yến cho biết DN mới, nhất là DN khởi nghiệp rất mong muốn sự bình đẳng trong kinh doanh. "Nhất là DN sân sau, cũng như những gì không rõ ràng, là cản trở lớn cho những DN làm ăn đàng hoàng", bà Yến nói. Đối với hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nữ ĐB nhìn nhận đây là điều mà DN tư nhân đang rất mong mỏi, song thực tế để DN tiếp cận được là rất khó.

"Đã có những quy định, thậm chí quy thành luật quy định, nhưng để DN nhận được hỗ trợ từ Nhà nước thì hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nếu có điều kiện nên khảo sát có bao nhiêu DN được quyền lợi từ luật này. Cần quy định cụ thể, chi tiết những hỗ trợ cho DN" - bà Yến nhấn mạnh .

Hôm nay, 16-5, QH thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của QH về: cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cấp xã mới được xử phạt theo thẩm quyền cấp huyện

Trong quy định điều khoản chuyển tiếp, dự thảo luật đề xuất trưởng công an xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của trưởng công an cấp huyện; chủ tịch UBND cấp xã (mới) có thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện, kể từ khi luật được thông qua, thực hiện trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các chức danh có liên quan tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-xuat-tang-muc-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-196250515222904884.htm
Zalo