Đề xuất tăng mức phạt lên 100 triệu đồng ngăn nguy cơ thừa hàng triệu nam giới
Bộ Y tế đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực dân số từ 30 lên 100 triệu đồng để xử lý nghiêm, buộc các cá nhân, tổ chức phải thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiếp tay lựa chọn giới tính thai nhi.
Năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam ở mức 109,8 bé trai/100 bé gái - vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên (103-107); năm 2015 là 112,8, năm 2024 là 111,4/100 - số liệu dẫn theo báo cáo của Bộ Y tế.
"Nếu không có biện pháp can thiệp mạnh, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới 15-49 tuổi vào năm 2039 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059", Cục Thống kê dự báo. Điều đó sẽ dẫn tới nguy cơ phá vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, không có khả năng kết hôn.

Việt Nam nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Ảnh minh họa: Thạch Thảo
Bộ Y tế nhận định việc lựa chọn giới tính thai nhi, chủ động sinh con theo ý muốn bằng can thiệp y khoa là một trong những nguyên nhân khiến mất cân bằng giới tính khi sinh.
Việt Nam nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, pháp luật cũng có các mức xử phạt vi phạm hành chính.
Hiện mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực dân số, tuy nhiên "chưa đủ sức răn đe", Bộ Y tế nhận định tại báo cáo đánh giá tác động chính sách trong hồ sơ dự thảo Luật Dân số đang được lấy ý kiến.
Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh Dân số của Bộ Y tế dẫn báo cáo của một số địa phương cho thấy "một số nhân viên y tế vẫn ngầm thông báo về giới tính thai nhi". Thực tế, không ít thầy thuốc (đặc biệt ở các phòng khám tư nhân) thông báo giới tính thai nhi bằng hình thức đa dạng từ ký hiệu, đến ngôn ngữ "lóng" như: Giống bố hay giống mẹ, giống hay khác con đầu lòng...
Trong hồ sơ xây dựng Luật Dân số, để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, ngoài đề xuất tiếp tục kế thừa quy định nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, Bộ Y tế cho rằng, theo định kỳ Chính phủ cần công bố các tỉnh, thành phố mất cân bằng giới tính khi sinh ở các mức rất cao, cao và mức cân bằng tự nhiên.
Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về dân số đối với cá nhân là 100 triệu đồng.
"Điều này để xử lý nghiêm, buộc các tổ chức, cá nhân phải thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước hành vi vi phạm", Bộ Y tế giải thích.