Đề xuất tăng gấp đôi chế độ cho người hoạt động không chuyên trách thôi việc
Do phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố hiện nay không cao nên mức trợ cấp đối với các đối tượng này hiện nay rất thấp.
Phiên họp sáng ngày 14/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Quốc hội sáng 14/5 góp ý cho Hiến pháp sửa đổi và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: QH
Trợ cấp hỗ trợ người không chuyên trách rất thấp
Góp ý về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sáp nhập, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho biết, đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Dự kiến, 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên cả nước sẽ kết thúc hoạt động trước ngày 30/6. Hiện nay, theo quy định, người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền thì được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 29 của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế.
Tuy nhiên, do phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã ở thôn, tổ dân phố hiện nay không cao nên mức trợ cấp đối với các đối tượng này rất thấp.
Vì vậy, để tạo điều kiện giải quyết chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, đại biểu Quyên Thanh đề nghị Bộ Nội vụ sớm tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định, hỗ trợ thêm chế độ mỗi một năm công tác bằng 3 tháng nhân với 2 lần mức trợ cấp hiện hưởng, thời gian tối đa không quá 60 tháng.
Song song đó, bà đề xuất bổ sung chế độ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người hoạt động không chuyên trách thôi việc.
Hiện tại, Bộ Nội vụ hiện đang tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các địa phương về chế độ cho đối tượng này.
Đề xuất thêm cấp phó, không thành lập trung tâm hành chính công từng xã
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất tăng số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.
Đại biểu này cho rằng, hiện nay quy mô một tỉnh rất lớn sau khi sáp nhập 2-3 tỉnh làm 1, vì thế cần xem xét tăng số lượng cấp phó để thực hiện quyền điều hành.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: QH
“Hiện nay theo quy định chỉ có 3 cấp phó. Tôi nghĩ, có thể phải tăng lên 4-5 cấp phó. 34 tỉnh thành, mỗi tỉnh thêm 1 phó chủ tịch nữa thôi thì cũng chỉ thêm 34 người chứ đâu có bao nhiêu, trong khi biên chế cả nước là cả triệu người. Tôi nghĩ rằng đây là việc hết sức cần thiết” – ông nói.
Về việc dự thảo luật cho phép UBND cấp xã thành lập trung tâm hành chính công. Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng không nên làm như vậy, sẽ rất lãng phí do nhiều xã rất nhỏ.
Theo ông, nên thành lập trung tâm hành chính công liên khu vực thay cho trung tâm hành chính công cấp xã. Ông nêu ví dụ về mô hình của TP Hà Nội hiện nay đang rất hiệu quả.
“Mấy xã nhập lại thì có một trung tâm hành chính công khu vực và trung tâm hành chính công này trực thuộc UBND tỉnh hay trực thuộc trung tâm hành chính công của tỉnh chứ không nên để mỗi xã thành lập một trung tâm hành chính riêng”.
Ông cũng góp ý, ngoài 4 phòng ban được thành lập theo quy định của dự thảo, cần thành lập thêm văn phòng xã. Văn phòng này có thể là tập hợp chức năng của văn phòng Đảng ủy, văn phòng HĐND, văn phòng UBND và là cơ quan tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã.