Đề xuất tăng đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn
Báo cáo Hiện trạng môi trường Việt Nam 2023 do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố đề xuất triển khai các giải pháp ưu tiên phát triển nông nghiệp và nông thôn gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023 với chủ đề “Môi trường nông thôn - Thực trạng và giải pháp”. Báo cáo được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hai năm một lần với từng chủ đề riêng, như môi trường không khí, môi trường nước, chất thải,...
Hơn 40% diện tích đất được điều tra bị thoái hóa
Báo cáo nêu rõ, thống kê kết quả quan trắc môi trường đất thuộc mạng lưới quan trắc quốc gia và mạng lưới quan trắc địa phương cho thấy, đến thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích đất tầng mặt khu vực nông thôn ghi nhận hàm lượng các kim loại nặng trong đất chưa vượt giá trị giới hạn của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất (QCVN 03:2023/BTNMT).
Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, sự dịch chuyển hoạt động phát triển công nghiệp về khu vực ven đô, sự phục hồi, phát triển kinh tế của các cụm công nghiệp, làng nghề kết hợp với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm môi trường đất bị suy thoái, ô nhiễm dẫn đến suy giảm chất lượng đất, nhất là đất ven khu vực sản xuất công nghiệp, làng nghề, đất các khu vực đồi núi địa hình chia cắt, đất tại vùng sa mạc hay ở dải ven biển do nhiễm mặn, xói lở,...
Theo kết quả điều tra, đánh giá thoái hóa đất của toàn quốc công bố năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng diện tích đất thoái hóa trên toàn quốc là 11.838 nghìn ha, chiếm 40,63% tổng diện tích đất được điều tra, trong đó diện tích đất bị thoái hóa ở mức độ nặng và mức trung bình khoảng 4.994 nghìn ha (chiếm 42,2% diện tích đất bị thoái hóa toàn quốc).
Còn lại là diện tích đất bị thoái hóa ở mức độ nhẹ, phân bố chủ yếu ở khu vực trung du và miền núi phía bắc với tổng diện tích khoảng 4.418 nghìn ha (chiếm 37,3%). Theo loại đất, nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất lâm nghiệp có diện tích thoái hóa lớn nhất, tương ứng là 42,9% và 41,9%.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nhiều nguyên nhân làm cho chất lượng đất bị suy giảm, có thể do đất phân bố ở khu vực địa hình chia cắt mạnh, mạng lưới sông suối dày đặc, sông ngắn, tiết diện dọc dốc.
Ngoài ra còn có nguyên nhân do kỹ thuật canh tác, ít bón phân hữu cơ, thâm canh, độc canh; đất không được bồi đắp phù sa thường xuyên. Đất phân bố ở khu vực khô hạn, thời tiết khắc nghiệt; có thể do bị nhiễm nước mặn bởi thủy triều hoặc do nước mặn từ các dòng chảy ngầm di chuyển lên bề mặt đất hoặc do sự sử dụng nước mặn từ các kênh tiêu dẫn vào đồng ruộng khi thiếu nước ngọt.
Kết quả quan trắc tại khu vực đất bị suy thoái như huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, hay trên đất khô hạn miền trung và Tây Nguyên và đất bị nhiễm mặn khu vực ven biển miền trung cho kết quả chỉ tiêu dinh dưỡng tầng đất mặt thấp, giá trị EC và clorua có xu hướng gia tăng.
Tại khu vực miền trung, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng El Nino làm tăng nhiệt độ, nắng nóng diễn ra chu kỳ dài và ngày càng khắc nghiệt, nhất vào mùa khô làm cạn kiệt nguồn nước ngọt đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc canh tác lúa nước, do đó một diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi sang nuôi tôm, điều này góp phần làm xảy ra hiện tượng tái nhiễm mặn.
Nguy cơ ô nhiễm kim loại, ô nhiễm rác thải nhựa
Báo cáo Hiện trạng môi trường Việt Nam 2023 cũng cảnh báo về nguy cơ đất ở các vùng nông thôn đối mặt với nguy cơ ô nhiễm kim loại.
Cụ thể, theo kết quả quan trắc và phân tích môi trường đất miền bắc, miền trung và miền nam (giai đoạn 2018-2022) của Viện Môi trường Nông nghiệp, hầu hết các khu vực được quan trắc đất nông nghiệp đều chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp.
Miền bắc là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhà máy hóa chất Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ). Miền trung là khu vực chịu ảnh hưởng của khu công nghiệp Phú Bài (tỉnh Bình Định), khu công nghiệp Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng). Trong khi đó, miền nam là khu vực chịu tác động từ chất thải của các Khu công nghiệp dọc sông Sài Gòn, Vàm Thuật, khu công nghiệp Nam Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và khu công nghiệp Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Kết quả quan trắc ghi nhận đất nông nghiệp gần các khu vực nêu trên đều có nguy cơ cao bị ô nhiễm kim loại nặng (Cu, Pb, Zn, Cd, Hg), tại một số vị trí quan trắc có giá trị các thông số kim loại nặng trong đất vượt giá trị giới hạn của QCVN 03MT:2015/BTNMT (đối với đất nông nghiệp) từ 1,1 - 1,8 lần.
Đối với các điểm quan trắc chịu tác động do nước thải nhà máy hóa chất Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (điểm TS2 - Đồng Bưởi, điểm TS3 - Đồng Rổ), giai đoạn 2018 - 2022, giá trị thông số Cu và Zn vượt giá trị giới hạn của QCVN MT03:2015 (đối với đất nông nghiệp), tương ứng là 1,04 - 1,18 lần và 1,25 - 1,67 lần.
Kết quả quan trắc đất nông nghiệp gần các khu công nghiệp ở phía nam cũng đã ghi nhận bị ô nhiễm Cd với các mức độ khác nhau. Tại điểm quan trắc gần khu công nghiệp dọc sông Sài Gòn, Vàm Thuật, giá trị Cd giai đoạn 2018 - 2022 vượt từ 1,33 - 1,65 lần. Tại điểm gần khu công nghiệp Nam Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), giá trị Cd vượt từ 1,10 - 1,68 lần. Tại điểm gần khu công nghiệp Đại Đăng (tỉnh Bình Dương), giá trị Cd vượt từ 1,22 - 1,41 lần. Tại điểm gần khu công nghiệp Long Thành (tỉnh Đồng Nai), giá trị Cd vượt từ 1,13 - 1,41 lần.
Tại các khu vực đất chịu tác động của chất thải sinh hoạt cũng ghi nhận nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng (Cu, Pb, Zn, Cd, Cr, Hg). Một số mẫu đất thực hiện quan trắc tại khu vực chịu tác động của chất thải sinh hoạt và khu vực hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn cũng ghi nhận giá trị thông số kim loại trong đất cao.
Bên cạnh đó, tài nguyên đất khu vực nông thôn cũng đang chịu áp lực do hoạt động thâm canh sản xuất nông nghiệp. Nhiều vùng chuyên canh rau, hoa, chè và cà phê, đất có xu hướng chua hóa, ô nhiễm nitrat và ghi nhận tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Ngoài ra, môi trường đất còn đối mặt với nguy cơ ô nhiễm từ chất thải làng nghề và rác thải nhựa.
Báo cáo đưa ra một số đề xuất, giải pháp như đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn gắn với việc triển khai tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn. Huy động nguồn tài chính, tăng đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn; tiếp tục xây dựng, thí điểm, nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường.
Báo cáo đề xuất triển khai các giải pháp ưu tiên phát triển nông nghiệp và nông thôn gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tăng cường quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn, chất thải nông nghiệp và bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng. Kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các làng nghề.