Đề xuất sửa Luật năng lượng nguyên tử
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Tăng cường hiệu quả quản lý về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử
Luật Năng lượng nguyên tử (Luật số 18/2008/QH12) được Quốc hội Khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03/6/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Qua hơn 15 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã phát huy vai trò to lớn trong việc thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đíchhòa bình và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động đó.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, nhiều quy định của Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý, không đồng bộ với một số luật mới ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu nội luật hóa liên quan đến các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử mà Việt Nam là thành viên; phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành; một số quy định thiếu tính khả thi; chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ; quy định về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước đối với các cơ sở hạt nhân (bao gồm nhà máy điện hạt nhân, cơ sở có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu) còn có bất cập, chưa đầy đủ. Vì vậy, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, mục đích ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử.
Tăng cường hiệu quả quản lý về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử; thực hiện nghiêm túc cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế.
Bố cục, nội dung cơ bản của Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi)
Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) gồm 13 chương, 75 điều: Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 11); Chương II. Phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử (từ Điều 12 đến Điều 15); Chương III. An toàn bức xạ, bảo vệ bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ,vật liệu hạt nhân (từ Điều 16 đến Điều 29); Chương IV. An toàn và an ninh cơ sở hạt nhân (từ Điều 30 đến Điều 42); Chương V. Thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phóng xạ (từ Điều 43 đến Điều 44); Chương VI. Quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng (từ Điều 45 đến Điều 49).
Chương VII. Thanh sát hạt nhân (từ Điều 50 đến Điều 52); Chương VIII. Vận chuyển vật liệu phóng xạ (từ Điều 53 đến Điều 56); Chương IX. Kiểm soát xuất nhập khẩu (từ Điều 57 đến Điều 59); Chương X. Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân (từ Điều 60 đến Điều 62); Chương XI. Trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân (từ Điều 63 đến Điều 65); Chương XII. Khai báo, đăng ký và giấy phép (từ Điều 66 đến Điều 72); Chương XIII. Điều khoản thi hành (từ Điều 73 đến Điều 75).
Nội dung của Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tập trung vào 04 chính sách gồm:
Chính sách 1: Thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Chính sách 2: Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân và phân cấp trong công tác quản lý nhà nước.
Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân.
Chính sách 4: Tăng cường quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; chủ động và sẵn sàngứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; bảo đảm thực hiện trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Mời bạn đọc xem toàn văn nội dung dự thảo và góp ý tại đây.