Đề xuất siết tín dụng với người mua nhiều bất động sản

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đề xuất giảm hạn mức cho vay, tăng tỷ lệ thanh toán bằng vốn tự kết hợp với đánh thuế đối với người mua nhiều nhà đất nhằm hạn chế đầu cơ.

Trong bản tin thị trường công bố ngày 28/9, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) tại Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ tình trạng nợ xấu, tồn kho BĐS tăng cao, đến khó khăn trong việc huy động vốn và suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.

Những khó khăn này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thị trường mà còn gây ra những hệ lụy lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế. Do đó, việc Nhà nước chủ động tăng cường điều tiết thị trường BĐS khi thị trường có "dấu hiệu bất ổn" là vô cùng cần thiết.

Điều này đã được cụ thể hóa trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023, trong đó bổ sung cơ chế điều tiết thị trường địa ốc, áp dụng từ 1/8. So với quy định cũ, luật mới nêu rõ biện pháp điều tiết thị trường được thực hiện khi chỉ số giá giao dịch tăng hoặc giảm trên 20% trong ba tháng hoặc khi thị trường có các biến động khác ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.

Nhiều cơ quan đang đề xuất giải pháp để kiểm soát thị trường khi giá bất động sản tăng cao,

Nhiều cơ quan đang đề xuất giải pháp để kiểm soát thị trường khi giá bất động sản tăng cao,

Tuy nhiên, VARS cho rằng cơ sở dữ liệu bất động sản hiện nay chưa đầy đủ, chính xác, khiến việc xác định "chỉ số giá giao dịch tăng hoặc giảm trên 20% trong ba tháng" không đơn giản.

Do đó, việc áp dụng điều tiết thị trường bằng chính sách pháp luật về tín dụng được VARS đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, đảm bảo thị trường phát triển bền vững, tránh những tác động gây bất ổn cho nền kinh tế.

Theo đó, VARS đề xuất thắt chặt chính sách tín dụng với những người mua nhà thứ hai trở lên. Chính sách này gồm giảm hạn mức cho vay thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản, yêu cầu tỷ lệ thanh toán bằng vốn tự có cao hơn, áp dụng mức lãi suất cao hơn.

Ngoài ra, cần tăng cường giám sát, quản lý tín dụng bằng cách yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo chi tiết các khoản vay liên quan bất động sản, đồng thời ưu tiên cấp vốn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp.

Với nhóm mua nhà lần đầu, VARS đề xuất chính sách nới lỏng tín dụng gồm giảm lãi suất, hỗ trợ các khoản vay dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm mục đích ổn định xã hội.

"Để chính sách áp dụng đúng và trúng, Nhà nước cần xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đủ lớn, đủ chính xác và có tính cập nhật cao để đảm bảo phân biệt rõ giữa người mua nhà ở thực, sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh thực, với các đối tượng đầu cơ, trục lợi", VARS kiến nghị.

Cơ quan này cũng cho rằng để điều tiết thị trường toàn diện hơn, chính sách tín dụng nên kết hợp với việc áp dụng thuế chuyển nhượng bất động sản hoặc thuế tài sản. Đồng thời, việc áp dụng các chính sách điều tiết phải lưu ý linh hoạt, đảm bảo ổn định trật tự thị trường, hạn chế rủi ro.

Về xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời, tại cuộc họp báo ngày 27/9, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình với đề xuất này.

Để hạn chế tình trạng đầu cơ đồng thời ổn định thị trường, Bộ Xây dựng vừa rồi đã đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai và bất động sản bỏ hoang, không sử dụng.

Hiện, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng. Đồng thời, nghiên cứu có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-xuat-siet-tin-dung-voi-nguoi-mua-nhieu-bat-dong-san-169240928161550843.htm
Zalo