Huyện Hiệp Hòa: Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách

Thực hiện chủ trương tăng cường các chương trình tín dụng chính sách, những đồng vốn ưu đãi đã và đang được các cấp, ngành, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hiệp Hòa chuyển đến người dân. Đây trở thành 'chiếc cần câu' giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có cơ hội xây dựng, phát triển mô hình kinh tế, nỗ lực vươn lên, ổn định cuộc sống.

Cách đây 5 năm, chị Mẫn Thị Thắm, thôn Sơn Quả 1, xã Lương Phong chưa bao giờ dám nghĩ đến việc thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Chồng chị sức khỏe không tốt nên mọi lo toan kinh tế trong gia đình đều đặt lên vai chị. Ai thuê gì làm nấy, chị chỉ mong có đủ tiền để trang trải cuộc sống và lo cho 4 con đang độ tuổi ăn học. May mắn năm 2019, chị được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm dành cho hộ nghèo.

 Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Hòa giải quyết hồ sơ vay vốn cho hộ nghèo.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Hòa giải quyết hồ sơ vay vốn cho hộ nghèo.

Có vốn, thêm quyết tâm thoát nghèo, gia đình chị đầu tư cải tạo vườn trồng bưởi, nhãn, xây dựng chuồng trại nuôi trâu. Chăm chỉ chăm sóc đàn vật nuôi, vun trồng cây trái, hễ có chút vốn tích lũy, chị Thắm lại dành một phần để mở rộng dần quy mô sản xuất. Đến nay, chị Thắm làm chủ mô hình trồng khoảng 100 cây ăn quả, nuôi 10 con trâu thương phẩm. Có thu nhập ổn định, cuộc sống dần khấm khá, năm 2023, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Cũng như chị Thắm, gia đình ông Đỗ Huy Thông ở thôn Phú Thuận, xã Đoan Bái vươn lên thoát nghèo năm 2022 nhờ nguồn vốn chính sách. Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, năm 2018, ông Thông mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm. Từ 50 triệu đồng tiền vay dành cho hộ nghèo, nhờ họ hàng, bạn bè giúp sức, ông quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi ngan.

Được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách chọn giống, chăm sóc, phòng dịch bệnh, chỉ sau 4 - 5 tháng, đàn ngan 50 con của gia đình ông có con đã nặng tới hơn 3 kg, giá bán bình quân 60 nghìn đồng/kg. Đến nay, với 300 con ngan thương phẩm/lứa, hơn 100 ngan đẻ trứng, cho ấp để bán ngan giống và tái đàn, ông thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

 Gia đình ông Đỗ Huy Thông, thôn Phú Thuận, xã Đoan Bái thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách.

Gia đình ông Đỗ Huy Thông, thôn Phú Thuận, xã Đoan Bái thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách.

Tổng hợp của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Hòa, hiện dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện đạt 896 tỷ đồng, với hơn 13,8 nghìn khách hàng đang vay vốn. Một số địa bàn có dư nợ cao như: Thị trấn Thắng 67,9 tỷ đồng, 777 khách hàng đang dư nợ; xã Lương Phong 56,9 tỷ đồng, 964 khách hàng đang dư nợ; xã Hương Lâm 54,4 tỷ đồng, 904 khách hàng đang dư nợ. Hiện nay, theo quy định, lãi suất cho vay với hộ nghèo là 6,6%/năm; hộ cận nghèo 7,92%/năm; hộ mới thoát nghèo 8,25%/năm. Mức tiền vay tối đa cho cả 3 đối tượng là 100 triệu đồng/hộ; thời hạn vay tối đa của hộ nghèo, hộ cận nghèo là 10 năm; hộ mới thoát nghèo là 5 năm.

Kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo năm 2024, huyện Hiệp Hòa còn 558 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,94%, giảm 0,67% so với năm 2023; cận nghèo còn 1.091 hộ, chiếm tỷ lệ 1,83%, giảm 0,74% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu đề ra.

Theo bà Ngô Thị Thắm, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi giúp hộ nghèo vươn lên, từ nhiều năm nay, định kỳ theo lịch đã xây dựng, đơn vị cử cán bộ xuống cơ sở giao ban với các hội, đoàn thể nhận ủy thác như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn để khảo sát nhu cầu vay vốn tại từng xã, lập danh sách báo cáo để phân bổ. Sau khi giải ngân, thường xuyên giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hằng tháng, vận động trả nợ dần theo định kỳ, nhắc nhở người vay trả nợ đúng hạn. Đồng thời, phối hợp lập hồ sơ đề nghị xử lý kịp thời với các hộ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. “Để tăng hiệu quả nguồn vốn cho vay, trước khi hoàn thiện hồ sơ và tiến hành giải ngân, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tổ chức thẩm định chặt chẽ theo đúng quy trình, bảo đảm giải ngân cho vay đúng đối tượng, công khai, minh bạch”, bà Thắm nhấn mạnh.

Kết thúc giai đoạn năm 2025, huyện Hiệp Hòa phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,85%; không phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo là người có công với cách mạng. Theo ông Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện, nâng cao thu nhập được xem là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, bên cạnh việc triển khai đầy đủ, chính xác các chính sách giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã nghiên cứu, hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện từng địa bàn. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ, nhất là tín dụng ưu đãi để 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận và có điều kiện sản xuất tốt nhất, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống để giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/huyen-hiep-hoa-giam-ngheo-ben-vung-tu-nguon-von-chinh-sach-155124.bbg
Zalo