Đề xuất phạt nặng hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Mức xử phạt hành chính được dự kiến từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuy nhiên đại biểu nói cần xem lại để bảo đảm tính khả thi.
Ngày 26-3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Một số đại biểu nêu ý kiến đánh giá cao và cho rằng ban hành luật này là cần thiết.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng: Dữ liệu cá nhân ngày càng trở thành tài sản quan trọng, đồng thời cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ lạm dụng, xâm phạm, đặc biệt là tình trạng vi phạm dữ liệu cá nhân, rò rỉ thông tin khách hàng, lạm dụng dữ liệu trong quảng cáo, tiếp thị.
“Hiện nay quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân mới chỉ dừng lại ở cấp nghị định, thông tư, chưa có luật chuyên biệt để bảo vệ quyền của công dân trong môi trường số. Ngoài ra, còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, một số nước đã có Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cho nên việc ban hành dự thảo luật này là hết sức cần thiết”, đại biểu Bình nói.
Phạt nặng nhưng cần chú ý tính khả thi
Dự thảo luật đề xuất, cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ chịu trách nhiệm dân sự, bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nói vừa rồi ông tham gia đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng - An ninh và nhận thấy rằng: Cần xem lại tính khả thi và tính thống nhất của quy định nói trên với quan điểm về xử phạt vi phạm hành chính trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Nhiều lĩnh vực hiện có quy định mức xử phạt tối thiểu và tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân và tổ chức. Còn trong lĩnh vực cạnh tranh nếu có hành vi tập trung kinh tế thì cũng xử phạt 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, lĩnh vực thuế cũng vậy.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị “bóc tách” các hành vi vi phạm để xử phạt. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Tôi đề nghị nếu vẫn giữ mức xử phạt 1-5% thì vênh, không theo đúng hệ thống, quan điểm về xử phạt hành chính. Có những doanh nghiệp doanh thu của năm trước liền kề rất lớn, tới 30.000 tỷ của năm trước liền kề. Một hành vi vi phạm mà chúng ta xử phạt 1% là tối thiểu, 1% của 30.000 tỷ. Và nếu căn cứ vào điều cấm xử phạt khoảng 10 lần thì khó khả thi”, Đại biểu Nguyễn Trường Giang nói.
Ông đề nghị “bóc tách” các hành vi vi phạm ra theo hướng: Một số loại hành vi mang tính phổ biến thì căn cứ vào hành vi để chúng ta xử phạt. Còn đối với những hành vi mang tính vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp thì chúng ta lại phải căn cứ vào thu lợi bất chính để chúng ta xử phạt.
“Đánh vào kinh tế thì hiệu quả hơn chứ không nên đánh đồng theo quy định như khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật”, ông Giang nói.
Đại biểu Thạch Phước Bình nói dự luật chưa quy định chi tiết mức phạt và hình thức xử lý vi phạm. Một số vấn đề đặt ra như mức phạt thì chưa đủ răn đe, nếu mức phạt hành chính quá thấp hoặc các doanh nghiệp có thể sẵn sàng trả tiền phạt thay vì đầu tư và bảo vệ dữ liệu.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng mức phạt trong dự thảo chưa đủ răn đe. Ảnh: CHÂN LUẬN
Đồng thời, chưa có quy định về trách nhiệm hình sự trong các trường hợp nghiêm trọng như đánh cắp, buôn bán dữ liệu cá nhân thì cần có chế tài mạnh hơn như truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với đó là thiếu cơ chế giám sát và kiểm tra, nếu không có hệ thống thanh tra, kiểm tra định kỳ thì các quy trình có thể không được thực thi một cách hiệu quả.
Đại biểu Bình kiến nghị tăng mức xử phạt hành chính, nghiên cứu mô hình các nước Châu Âu quy định mức phạt có thể lên đến 4% doanh thu toàn cầu của công ty vi phạm. Bên cạnh đó, bổ sung trách nhiệm hình sự cho các hành vi đánh cắp, mua bán dữ liệu, và nghiên cứu xây dựng cơ quan giám sát độc lập như các nước châu Âu làm.
Mua bán, trao đổi dữ liệu cá nhân thế nào?
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề cập đến nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân và cho rằng các quy định trong dự thảo vẫn còn có nhiều chỗ chưa thống nhất. Ông đề nghị rà soát lại nhằm bảo đảm đây là những nguyên tắc chung, có tính xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo luật.
Đặc biệt, với các hành vi bị nghiêm cấm, như mua bán dữ liệu cá nhân, đại biểu Mai đề nghị cần làm rõ xem cấm mua bán dữ liệu cá nhân thì có cấm hành vi tặng, cho hay không.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề cập đến nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân và cho rằng còn nhiều chỗ chưa thống nhất. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Dữ liệu tổ chức, doanh nghiệp thu thập được của chủ thể dữ liệu cá nhân là dữ liệu đã được xử lý. Lúc này dữ liệu do doanh nghiệp, tổ chức thu thập là tập hợp dữ liệu của nhiều chủ thể dữ liệu cá nhân và chi phí của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân. Vì vậy, tôi cho rằng việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân cần được cân nhắc”, đại biểu Mai nói.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang thì cho rằng, với các dữ liệu cá nhân đã được tổ chức, doanh nghiệp xử lý thành tệp mà cấm mua, bán thì “không ổn”.
Ông Giang nêu, một tập đoàn, công ty có nhiều công ty con, vậy dữ liệu cá nhân sau khi đã được xử lý thành tệp thì một công ty có thể chuyển cho các công ty khác trong tập đoàn để phục vụ sản xuất kinh doanh không?
“Bản thân doanh nghiệp cũng kiến nghị được chuyển dữ liệu cá nhân từ bộ phận này sang bộ phận khác để sử dụng hiệu quả nhất”, ông Giang nêu và cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ khi nào thì được mua bán, khi nào thì được trao đổi.
Tiếp tục rà soát cơ sở chính trị, pháp lý
Cần rà soát, bổ sung tờ trình để làm rõ hơn cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bổ sung báo cáo đánh giá tác động về ngân sách, chi phí tuân thủ pháp luật, nhất là các chính sách mới, chính sách vượt trội liên quan đến Nghị quyết 57 về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các vấn đề thực tiễn phát sinh để quy định cho thống nhất, tương thích với các điều ước quốc tế, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và có tính khả thi, trong đó kinh nghiệm của quốc tế là bảo đảm cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư và phát triển kinh tế - xã hội, có chế tài nghiêm khắc để răn đe.
Một số nước như Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng xử phạt hành chính, như Liên minh châu Âu đến 4% năm doanh thu liền kề trước, Trung Quốc thì xử phạt hành chính lên đến 5%. Tuy nhiên, qua ý kiến của đại biểu, cần nghiên cứu có thể quy định trong luật hay giao cho Chính phủ quy định chi tiết các hành vi và mức xử phạt cho phù hợp các điều kiện, như doanh nghiệp mới thì thế nào, doanh nghiệp đã kinh doanh lâu thì như thế nào cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương